Xâm phạm hồ Trị An – Bài 3: Hàng nghìn bè nuôi cá và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Ô nhiễm nguồn nước từ bè nuôi cá?

Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc suối 30, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai bắt đầu xuất hiện các nhà bè nuôi cá của các hộ dân, chủ yếu là cá diêu hồng, cá basa, cá trắm, cá lóc…Đây là các loài cá phù hợp với các loại thức ăn công nghiệp. Các nhà bè nuôi cá có diện tích 100m2 – 200m2, có khi 4 hoặc 6 bè kết nối lại với nhau tạo thành một cụm nhà bè. Thậm chí, có nhiều hộ dân làm luôn cả nhà ở ngay trên bè nuôi cá và sinh sống luôn trên đó.

Xâm phạm hồ Trị An - Bài 3: Hàng nghìn bè nuôi cá và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Nhà bè nuôi cá trên hồ Trị An cùng với nước thải sinh hoạt đổ xuống hồ khiến nguồn nước ở đây đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nặng.

Càng về hướng gần chân cầu La Ngà, số lượng bè nuôi cá càng trở lên dày đặc, nằm sát nhau như một vùng dân cư rộng lớn. Nếu ban đêm nhìn vào khu vực này, với lượng ánh đèn sáng rực không ai nghĩ đó là sông La Ngà mà cứ tưởng là khu dân cư sầm uất. Đây được gọi là “bản doanh” của lòng bè nuôi cá nước ngọt. Bình quân mỗi tháng các hộ dân nuôi cá ở đây sử dụng hàng chục tấn thức ăn các loại để đổ xuống lòng hồ Trị An.

Theo thống kê của Khu bảo tồn, trên mặt nước hồ Trị An hiện có gần 600 hộ dân nuôi cá và thuỷ sản. Trong đó huyện Định Quán chiếm đa số với gần 400 hộ với khoảng 2.000 nhà bè và lồng nuôi thủy sản. Cùng với đó là nước thải từ các trại nuôi heo, các khu du lịch nghỉ dưỡng tự phát tại các đảo và khu vực xung quanh hai bên lòng hồ, nước thải sinh hoạt của người dân, chất thải và thức ăn dư thừa của thủy sản ra sẽ là nguy cơ làm cho nguồn nước của lòng hồ Trị An bị ô nhiễm.

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) xã La Ngà, huyện Định Quán, qua rà soát và đăng ký kê khai, trên địa bàn xã hiện có 125 hộ dân sinh sống trên lòng hồ Trị An với 102 bè ở, 24 bè nuôi, 1.227 lồng nuôi cá các loại, sản lượng đạt 2.287 tấn/ năm, chủ yếu nuôi cá mè, diêu hồng, lăng, lóc, trắm cỏ…

Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trưởng (TNMT) tỉnh Đồng Nai công bố vào tháng 6/2023 cho thấy, qua tổng hợp kết quả quan trắc nước mặt, tại khu vực lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu, Định Quán), vào thời điểm quan trắc cho thấy chất lượng nước đợt 1 có 3/17 thông số vượt so với quy chuẩn (Nitrit vượt từ 1,1 – 1,2 lần, E.Coli vượt từ 1,6 – 9,8 lần, sắt vượt 1,1 lần); đợt 3 có 3/17 thông số vượt so với quy chuẩn (COD vượt từ 1,1 – 1,2 lần, E.Coli vượt từ 1,6 – 26 lần, pH thấp dao động 8,51 – 8,63 lần).

Xâm phạm hồ Trị An - Bài 3: Hàng nghìn bè nuôi cá và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Trên hồ Trị An hiện có đến hàng nghìn nhà bè nuôi cá các loại.

Tại khu vực làng các bè La Ngà, kết quả quan trắc tại 5 vị trí trên hồ Trị An (khu vực từ cách cầu La Ngà 1,5km về phía hạ lưu đến hợp lưu suối Tam Bung – sông La Ngà), vào thời điểm quan trắc cho thấy đợt 1 có 1 – 3/17 thông số vượt quy chuẩn (chất rắn lơ lửng vượt 2,1 lần, sắt vượt từ 1 – 3,4 lần và E.Coli vượt từ 1,4 – 9,8 lần); đợt 2 có 2/17 thông số vượt quy chuẩn (Nitrit vượt từ 1,1 – 1,4 lần, E.Coli vượt từ 9,8 – 15,8 lần); đợt 4 có 3/17 thông số vượt quy chuẩn (E.Coli vượt từ 4,6 – 9,8 lần, sắt vượt từ 1,1 – 1,9 lần, chất rắn lơ lửng vượt từ 1,1 – 1,8 lần).

Trước tình trạng trên, Sở TNMT tỉnh Đồng Nai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Khu bảo tồn có thông báo đến người dân trong khu vực, đặc biệt là các hộ dân sử dụng nguồn nước trong quá trình nuôi trồng thủy sản để có biện pháp ứng phó kịp thời, lưu ý diễn biến độ mặn trong nguồn nước mặt. Có hướng dẫn kỹ thuật trong việc nuôi thủy sản, cân nhắc trong việc thả đàn, lựa chọn giống thủy sản có sức chống chịu tốt với điều kiện môi trường, đảm bảo mật độ thủy sản nuôi tại các lồng bè, sử dụng thức ăn sạch, thu hoạch vào thời điểm phù hợp, hạn chế việc nuôi thủy sản gần các khu vực sông, suối là cửa tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nước thải đô thị.

Ngoài chức năng thủy điện, hàng năm hồ Trị An còn cung cấp khoảng 70% nhu cầu nước ngọt cho Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Do đó nếu không có giải pháp căn cơ sẽ dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, hậu quả rất khó lường.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 401 phê duyệt đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An, Khu bảo tồn được giao làm chủ đầu tư. Theo đó việc nuôi cá bè trên hồ Trị An được chia thành 8 vùng nuôi với tổng số 618 bè kèm theo 1.236 lồng nuôi thủy sản. Việc phân chia chỉ tiêu số bè, lồng sắp xếp theo điều kiện thực tế tại từng xã. Khoảng cách giữa 2 cụm bè sắp nối đuôi nhau là 200m, khoảng cách giữa 2 cụm bè xếp song song hoặc xếp so le là 10m; mỗi cụm bè có 2 bè và 4 lồng nuôi cá, chiều dài 1 cụm là 25,64m, diện tích là 247,58 m2/cụm.

Các bè cách chân đập ít nhất là 1,5km nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành đập thủy điện; tránh nơi tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, dịch vụ. Đề án cũng quy định rõ giải pháp về thức ăn, con giống, cung ứng thuốc, hóa chất và tiến hành sắp xếp lại vùng nuôi cá, di dời và giải tỏa bè nuôi cá theo từng giai đoạn đến tháng 12/2021, thiết lập hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường nước tự động tại vùng nuôi cá lồng bè…

Xâm phạm hồ Trị An - Bài 3: Hàng nghìn bè nuôi cá và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Mỗi ngày, các hộ dân đổ xuống hồ Trị An hàng chục tấn thức ăn công nghiệp các loại.

Đáng chú ý, ngày 23/5/2022 UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 25 quy định quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước nội địa và các đảo trên hồ Trị An. Quyết định này xác định rõ các khu vực quản lý hồ Trị An như vùng lòng hồ, vùng đất ngập nước, đất vùng bán ngập nước, các cấu trúc nổi khác, du lịch sinh thái, phát triển du lịch bền vững, hoạt động khoáng sản…

Các nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững hồ Trị An gồm: “Không được ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của hồ chứa thủy điện; bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực được khoanh vùng cho mục đích bảo vệ công trình quan trọng quốc gia và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của hồ Trị An; bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái đa dạng sinh học của hồ Trị An và các đảo trên hồ Trị An”.

Đây là nguyên tắc hết sức quan trọng để từ đó phân định rõ trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước địa phương. Cụ thể, Khu bảo tồn được giao quản lý bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững các đảo và mặt nước hồ Trị An; thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực trên mặt nước và các đảo trên hồ Trị An; tổ chức tuần tra, kiểm soát, giám sát, phát hiện lập hồ sơ chuyển cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên hồ Trị An.

Chính quyền địa phương cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ và sử dụng bền vững đất vùng bán ngập. Công ty Thủy điện Trị An, ngoài việc điều tiết nước hồ Trị An còn chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng chất lượng nguồn nước, lấn, chiếm làm thay đổi hiện trạng đất bán ngập và các hoạt động làm biến dạng, ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ lòng hồ Trị An.

Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong hành lang bảo vệ hồ; thực hiện việc quan trắc môi trường nước trên hồ Trị An; quản lý, bảo vệ các mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ Trị An; thanh tra xử lý vi phạm về hoạt động bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường hồ Trị An. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức thực hiện việc giao, cho thuê, thu hồi mặt nước trên hồ Trị An; tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên hồ Trị An.

Xâm phạm hồ Trị An - Bài 3: Hàng nghìn bè nuôi cá và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Tỉnh Đồng Nai đã có đề án đưa người dân sinh sống dưới lòng hồ Trị An lên đất liền để ổn định cuộc sống, phân chia thành các khu nuôi cá để đảm bảo môi trường nước nhưng đến nay đề án này vẫn “tắc”.

Trong khi đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Khu Bảo tồn quản lý các hoạt động dịch vụ, du lịch trên hồ Trị An; Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự trên hồ Trị An tổ,chức tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền.

Đáng chú ý, Quyết định 25 xác định rõ trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các xã trong việc lập phương án sử dụng vùng đất bán ngập hồ Trị An; quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững vùng đất bán ngập; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; quản lý, bảo vệ mốc ranh giới hồ Trị An tại cao trình 62m; quản lý tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhân hộ khẩu các hộ gia đình, cá nhân sinh sống

Tiếp đến, ngày 29/12/2023, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 3489 phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu bảo tồn, giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó hơn 4.676ha ven hồ Trị An được xác định tổ chức 17 điểm du lịch sinh thái, bao gồm 1 số đảo nhỏ trên hồ Trị An. Cùng với đó hồ Trị An nằm trong 37 tuyến du lịch (thuộc tuyến CKĐ 04, 10, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 25, 26, 29) của tỉnh Đồng Nai.

Gần đây nhất, vào ngày 14/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 509 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định hồ Trị An là địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý cũng như điều kiện hết sức quan trọng để chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai quản lý, sử dụng, bảo tồn cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế hồ Trị An.

Quy định đã nhiều nhưng dường như việc quản lý của các cơ quan chức năng lại chưa tương ứng. Nhiều công trình, dự án du lịch tự phát “vô tư mọc lên” bất chấp những quy định về bảo vệ an toàn lòng hồ. Công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước nội địa và các đảo trên hồ Trị An đang diễn ra lỏng lẻo, dẫn tới tình trạng san ủi, can thiệp tùy tiện các đảo, xây dựng nhà, công trình trong vùng lòng hồ, đất vùng bán ngập nước, xâm phạm cả đất rừng Mã Đà để trồng tràm, thu lợi nhiều tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hiện trạng bảo tồn thiên nhiên khu vực hồ Trị An. Trong khi đó, Đề án quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An đến nay vẫn đang bị “tắc”, hàng nghìn bè cá vẫn “sinh sôi” tự phát như “nấm sau mưa”, vi phạm về số lượng, khoảng cách và vị trí.

Xung quanh những nội dung đã đăng tải, Phóng viên Báo Lao động Thủ đô sẽ làm việc với các cơ quan chức năng và tiếp tục phản ánh khi có thông tin mới.

Có hay không việc “bảo kê” cho nghề cấm hoạt động?

Hiện trong lòng hồ Trị An có nhiều nghề đánh bắt thuỷ hải sản bị liệt kê vào các ngành nghề cấm hoạt động như ghe cào, chích điện, đặt lợp, chắn bửng….Tuy nhiên không hiểu vì sao đến nay lực lượng chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm. Đáng chú ý theo phản ánh của người dân, có một “thế lực” đứng sau thu hụi hàng tháng để bảo kê cho các ngành nghề này hoạt động. Điều này cũng khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, hệ sinh thái bị đe doạ.

Xâm phạm hồ Trị An - Bài 3: Hàng nghìn bè nuôi cá và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Bị liệt vào danh sách nghề cấm nhưng không hiểu sao hoạt động ghe cào vẫn ngang nhiên tồn tại trên lòng hồ Trị An.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn cho biết: Hiện trên hồ Trị An có nhóm người dân hoạt động các nghề cấm và nhóm người dân hoạt động các nghề thông thường, được phép hoạt động. Trong đó nhóm nghề cấm thường cho người theo dõi lực lượng chức năng, do đó mỗi khi đi tuần tra đều được báo trước. Về vấn đề có hay không “người nhà” Khu Bảo tồn tham gia, ông Hảo cho biết: “Chắc không nhưng cũng không loại trừ có anh em do rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên đã “bán” thông tin. Do đó Khu Bảo tồn đã từng thay một số cán bộ hoạt động dưới hồ Trị An lên rừng Mã Đà và ngược lại để tránh bị “nội gián”.

Thành Đồng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích