Phú Bình (Thái Nguyên): Thực hiện có hiệu quả cấp nước an toàn khu vực nông thôn
(Xây dựng) – Nhằm ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, UBND huyện Phú Bình đã chủ động kế hoạch xây dựng, cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn huyện Phú Bình giai đoạn 2024 – 2028.
Dự án nhà máy nước Phú Bình vừa được khởi công xây dựng, hy vọng sẽ đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng cao của người dân. |
Theo đó, trên địa bàn huyện Phú Bình hiện có 8 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Trong đó, 4 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên quản lý, khai thác đang hoạt động bền vững, hiệu quả, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các xã Nga My, Hà Châu, Úc Kỳ, Xuân Phương; 4 công trình do UBND xã quản lý hiện đang ngừng hoạt động.
Ngoài ra, một số hộ dân của các xã Điềm Thụy, Thượng Đình, Nhã Lộng sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chi nhánh xí nghiệp nước sạch Sông Công thuộc Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Nguyên.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân trên địa bàn huyện, mới đây, UBND huyện Phú Bình tiến hành khởi công Dự án Nhà máy nước Phú Bình tại tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Hương Sơn. Đây là nhà máy xử lý nước từ nguồn nước kênh Đào, cung cấp nước sạch và hệ thống đường ống cấp nước sạch cho nhân dân thị trấn Hương Sơn, các khu, cụm công nghiệp và vùng lân cận. Nhà máy có công suất thiết kế là 10.000 m3/ngày đêm.
Trong tương lai, nhà máy sẽ nâng công suất lên 30.000 m3/ngày đêm để đảm bảo cung cấp cho địa bàn toàn huyện Phú Bình và vùng lân cận. Đây là một trong những dự án cấp nước sạch quan trọng sẽ góp phần không ngừng nâng cao chất lượng nước sạch cũng như đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng cao của người dân.
Hiện tại, người dân Phú Bình vẫn chủ yếu dùng nước sinh hoạt từ giếng khoan và giếng khơi. |
Để thực hiện có hiệu quả việc cấp nước an toàn khu vực nông thôn, UBND huyện Phú Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn huyện Phú Bình giai đoạn 2024 – 2028. Trong đó nhấn mạnh: Hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh, các cơ quan đơn vị liên quan trên địa bàn huyện kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn trên địa bàn huyện theo kế hoạch đã được phê duyệt; kịp thời giải quyết các khó khăn trong quá trình lập, phê duyệt, thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn của các đơn vị cấp nước; kịp thời điều chỉnh kế hoạch theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT.
Đối với đơn vị cấp nước: Lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đối với công trình do đơn vị quản lý theo Điều 8 Thông tư số 23/2022/TTBNNPTNT. Khi lập phương án giá bán nước sạch, đơn vị cấp nước phải lập đầy đủ các chi phí về cấp nước an toàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo công trình cấp nước đạt hiệu quả, an toàn, cụ thể như: Bảo đảm cấp nước liên tục, ổn định, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng theo quy định của pháp luật.
Các hạng mục công trình thu, xử lý, trữ, phân phối nước sạch đến khách hàng được quản lý, vận hành, bảo dưỡng theo quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật. Có phương án kiểm soát các nguy hại, rủi ro, sự cố có thể xảy ra trong hệ thống từ nguồn nước đến khách hàng và biện pháp cấp nước dự phòng trường hợp xảy ra gián đoạn cấp nước trên 48 giờ. Có cơ chế quản lý tài chính rõ ràng, doanh thu đủ bù đắp chi phí và có tích lũy phục vụ công tác duy tu, sửa chữa nhỏ và khắc phục sự cố. Các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn căn cứ vào nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện để hoàn thành kế hoạch cấp nước an toàn giai đoạn 2024-2028.
Nguồn: Báo xây dựng