Bình Định: Tăng cường đấu nối và sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh
(Xây dựng) – “Cần phải tăng cường đấu nối và nâng cao tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đây không phải là chỉ tiêu thi đua mà đây là vấn đề quan tâm đến đời sống của nhân dân, để cho nhân dân được sử dụng nguồn nước sạch và giảm các loại bệnh tật liên quan đến chất lượng nguồn nước” – Đây là khẳng định của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định Trần Viết Bảo tại Hội nghị tuyên truyền các giải pháp tăng cường đấu nối và sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn ra vào ngày 14/8, tại thành phố Quy Nhơn.
Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu tại Hội nghị. |
Năm 2024 là năm thứ 2 UBND tỉnh thực hiện theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế – xã hội thông qua số liệu thống kê, trong đó, “tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung” là một trong 21 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu được HĐND tỉnh giao và được UBND tỉnh giao Sở Xây dựng theo dõi, đánh giá. Theo đó, chỉ tiêu này phải đạt từ 88 – 90%.
Qua báo cáo tại Hội nghị cho thấy, đến hết 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 86,9%, cơ bản đạt theo kế hoạch đã đề ra. Trong đó, có một số địa phương đạt và vượt so với kê hoạch như: An Nhơn (93,2%), Tây Sơn (94,5%), Tuy Phước (85,5%), Phù Cát (88,3%), Hoài Nhơn (71,4%), Hoài Ân (98,2%).
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa đạt được tỷ lệ theo kế hoạch hoặc tỷ lệ còn thấp như: An Lão (13,65%), Vân Canh (38,56%), Vĩnh Thạnh (69,9%) và cần phải tăng cường các giải pháp để vận động người dân tham gia đấu nối và sử dụng nước sạch trong 06 tháng cuối năm.
Quang cảnh Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay: “Chúng ta cứ tưởng nước là vô tận, là phong phú, tuy nhiên thực tế không phải vậy, thế giới đã nhận định, nước để dùng được không nhiều. Tình trạng thiếu nước không chỉ trên lý thuyết mà xảy ra hàng ngày trên khắp đất nước ta. Đặc biệt là vào thời điểm khô hạn, người dân ở các khu vực có nguồn nước khó khăn đã phải đi mua từng xô, từng gánh nước sạch để phục vụ cho đời sống của mình”.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Bảo, mặc dù trong những năm qua các cấp, ngành tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc cấp nước sạch, tuy nhiên, tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch cũng như dân cư ở khu vực nông thôn được cấp nước sạch đúng tiêu chuẩn còn rất thấp. Tỷ lệ cấp nước sạch tại đô thị của Bình Định thiếu khoảng 5% so với cả nước (tỷ lệ dùng nước ở đô thị bình quân cả nước đạt 92%), tỷ lệ cấp nước sạch ở nông thôn hiện mới đạt 34,7%. Nguyên nhân tỷ lệ nước sạch nông thôn đạt thấp là do môi trường ngày càng ô nhiễm, nước trong đất bị ô nhiễm bởi hóa chất, nước thải từ môi trường ngấm vào đất.
“Việc tìm các giải pháp để nâng tỷ lệ cấp nước cho dân cư ở đô thị cũng như cư dân nông thôn là một trong những nhiệm vụ mà chúng ta phải đảm bảo trong thời gian tới. Làm sao để tăng tỷ lệ đấu nối nước sạch của người dân; các đơn vị cung cấp dịch vụ làm sao cố gắng đầu tư, nâng cấp để tăng công suất cấp nước của các nhà máy; tăng chất lượng dịch vụ, tăng chất lượng nước sạch cho nhân dân”, người đứng đầu ngành Xây dựng tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Các đại biểu đi tham quan các thiết bị chuyên dụng phục vụ cấp nước. |
Để tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh, tại Hội nghị, Sở Xây dựng đã giới thiệu “Sổ tay tuyên truyền về đấu nối và sử dụng nước sạch tiết kiệm – an toàn – hiệu quả”. Nội dung Sổ tay sẽ giúp các cán bộ quản lý, theo dõi chỉ tiêu nước sạch tại địa phương, các đơn vị cấp nước và người dân nắm được những thông tin cơ bản về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, về thủ tục đấu nối, chi phí đấu nối, thanh toán tiền nước, về một số biện pháp để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời, đây cũng là tài liệu, gợi mở ban đầu để các địa phương nghiên cứu, phát triển và có các giải pháp để tuyên truyền cho người dân tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch, tăng tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch tại địa phương, góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã trình bày nhiều tham luận như phương pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu nối và sử dụng nước sạch; việc đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước; công tác quản lý chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân và việc kiểm soát tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch tại đơn vị…
Nguồn: Báo xây dựng