Đề xuất hai phương án về lập quy hoạch khoáng sản
Tiếp tục Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8, ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Trước khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày tóm tắt báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về phân nhóm khoáng sản, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định danh mục khoáng sản theo nhóm; quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều được dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản giao, có kèm theo danh mục khoáng sản theo từng nhóm và sẽ rà soát, bổ sung đất hiếm thuộc khoáng sản nhóm I và các khoáng sản nhóm III sẽ được nêu cụ thể trong danh mục này. Do vậy, sẽ bảo đảm không có sự lẫn lộn giữa các nhóm khoáng sản, không có khoảng trống pháp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản được trình theo 2 phương án:
Phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội).
Phương án 2: Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).
Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, có một số ý kiến đề nghị việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch, nhưng cũng có ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật này. Vì vậy, dự thảo Luật cũng đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch.
Phương án 2: Dự thảo Luật đã quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Về kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định các yêu cầu về kỹ thuật an toàn đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Đồng thời, giao Bộ Công Thương, Chính phủ quy định chi tiết.
Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc, bất cập hiện nay liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Với quy định này, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan tới trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, hoặc trong quá trình khai thác không thể khai thác hết, hoặc trường hợp vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã xác định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm: Các loại khoáng sản bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng; khoáng sản được xác định phục vụ cho các nhà thầu thi công các dự án đầu tư (để bảo đảm nguồn vật liệu thi công cho các dự án); các khu vực khoáng sản do các tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản (để bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân đã cung cấp kinh phí cho các đề án điều tra) và các trường hợp thu hồi khoáng sản theo các dự án đầu tư xây dựng (là các trường hợp không phải vì mục đích khai thác khoáng sản).
Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định tiêu chí khu vực không đấu giá tại điểm b khoản 2 Điều 104 là “khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản”.
Đánh giá kỹ tác động chính sách mới
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường rất chi tiết, rõ ràng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu tại Kỳ họp thứ 7.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản là luật quan trọng, bởi thực tế có tình trạng khai thác khoáng sản không đúng quy định, điều này cho thấy việc cấp phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch rất quan trọng, do vậy cần phân biệt rõ quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản.
Qua làm việc, các địa phương đã kiến nghị 5 nhóm vướng mắc trong thực tiễn triển khai luật, trong quá trình tiếp thu, giải trình 3 nhóm vướng mắc đã có giải pháp giải quyết trong dự thảo Luật; còn một nhóm vướng mắc có hai phương án lựa chọn tại Điều 16. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dù chọn phương án nào cũng cần làm rõ căn cứ để đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Đối với nội dung, có hai phương án tại Điều 15 về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ tác động chính sách mới nếu thay đổi đầu mối quy hoạch khoáng sản theo quy định của luật hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, trong quá trình sửa đổi luật, cần bám sát định hướng, chỉ đạo đã nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh thì đưa vào luật; vấn đề chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh cần tiếp tục nghiên cứu.
Nguồn: Báo lao động thủ đô