Trách nhiệm với người dân
Theo dự thảo bảng giá đất mới Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành nhằm tiệm cận với giá thị trường, giá đất trên địa bàn sẽ tăng cao rất nhiều lần; thậm chí, có nơi tăng gấp 37 lần so với bảng giá hiện hữu. Điều này khiến người dân ùn ùn kéo nhau đi làm thủ tục đăng ký đất đai, thậm chí vay mượn tiền bạc kịp đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá đất hiện hành. Tại nhiều Văn phòng đăng ký đất đai ở thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi,… hồ sơ thủ tục nhà đất tăng đột biến, cán bộ làm không xuể.
Khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh HOÀNG TRIỀU) |
Việc điều chỉnh bảng giá đất nhằm tiệm cận giá trị trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh là một lộ trình dài, được chính quyền thành phố chuẩn bị hết sức kỹ càng, công phu.
Về lâu dài, chủ trương này sẽ giúp việc đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn diễn ra nhanh chóng, nên được đa số người dân đồng tình, ủng hộ.
Luật Đất đai 2024 được xây dựng để hướng tới bảo vệ tối đa lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng bảng giá đất mới là thực hiện các bước theo lộ trình triển khai luật, nhưng yếu tố hài hòa lợi ích cần được đặt lên hàng đầu. |
Tuy nhiên, việc vội vã công bố thông tin mà chưa kịp thời củng cố chứng lý, dữ liệu để chứng minh bảng giá đất Nhà nước không làm ảnh hưởng đến giá thị trường, vô hình trung đã làm xáo trộn đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Ở các sàn giao dịch, giá nhà đất lập tức bị đẩy lên cao, liên tiếp xuất hiện các thông tin đồn thổi như giá nhà đất sẽ còn tăng nữa; phân khúc nhà phố, đất nền sẽ khan hiếm,… Đâu đó, các hoạt động “lùa gà” (tung tin không có thật để lừa đảo, trục lợi khách hàng) sau một thời gian tạm lắng đã xuất hiện trở lại,… Người dân cần cơ quan chức năng công bố thông tin chuẩn xác của thị trường bất động sản, dựa trên dữ liệu thật được điều tra, khảo sát một cách khoa học, trung thực. Cơ quan quản lý tuyên truyền, giải thích cho dân cũng phải dựa trên những dữ liệu đó mới có sức thuyết phục, xua tan những chiêu trò lợi dụng chính sách, thao túng tâm lý đám đông, để đưa ra những nhận định, tin đồn thiếu chính xác vì mục đích riêng.
Tác động từ việc ban hành dự thảo bảng giá đất mới có nguy cơ khiến giá đất tăng đột ngột, gây bất ổn thị trường bất động sản, tạo ra “bong bóng” bất động sản, dẫn đến các rủi ro tài chính và kinh tế. Các doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí thuê đất và mặt bằng cao hơn có thể làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ, gây áp lực lạm phát. Nếu vội vã áp dụng dự thảo này tiền thuế đất sẽ vượt quá khả năng tài chính của người sử dụng đất, nhất là người dân nghèo, họ sẽ không có đủ tiền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó sẽ phát sinh tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép, phát sinh tiêu cực,…
Luật Đất đai 2024 được xây dựng để hướng tới bảo vệ tối đa lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng bảng giá đất mới là thực hiện các bước theo lộ trình triển khai luật, nhưng yếu tố hài hòa lợi ích cần được đặt lên hàng đầu.
Về lôgic, cùng một vị trí địa điểm, khu vực, nếu tăng giá đất thì người bán, cho thuê sẽ có lợi và người mua, đi thuê sẽ chịu thiệt. Quy luật thị trường sẽ điều tiết cung cầu và lợi ích các bên. Vấn đề là, để nhanh chóng đưa Luật Đất đai 2024 vào đời sống, chính quyền thành phố cần xây dựng lộ trình triển khai bảng giá đất phù hợp, cân đối hợp lý tỷ lệ tăng thuế, hài hòa giữa các nhóm đối tượng, để người nghèo, người thu nhập thấp có khả năng tiếp cận được nhà ở; doanh nghiệp không bị đè nặng bởi chi phí tiếp cận đất đai, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chịu nhiều yếu tố khó khăn như hiện nay.
Trước khi ban hành chính sách về đất đai, có tác động to lớn đối với hầu hết người dân và doanh nghiệp, cơ quan quản lý nên điều tra xã hội học kỹ càng, xây dựng lộ trình phù hợp, “khoan sức dân”, tránh để người dân hoang mang, xáo trộn tâm lý,… là việc làm cần thiết, để cùng chung tay góp sức phát triển thành phố bền vững, nhân văn.
Nguồn: Báo xây dựng