Nhiều người cao tuổi là nạn nhân của các cuộc gọi lừa đảo giả danh Công an
Vừa qua, trên địa bàn huyện Ứng Hòa (thành phố Hà Nội) xảy ra 1 vụ giả danh cán bộ Công an thông báo nội dung có liên quan đến các vụ án, vụ việc do cơ quan Công an đang điều tra, xử lý, đề nghị người bị hại cung cấp thông tin cá nhân, nộp tiền để phục vụ công tác điều tra.
Theo đó, khoảng 15 giờ ngày 26/7 Công an xã Đại Cường nhận được trao đổi của Chi nhánh Ngân hàng xã Đại Cường về việc bà Phạm Thị Thực (sinh năm 1948 ở thôn Kim Giang, xã Đại Cường) đến ngân hàng để rút số tiền 72 triệu đồng. Quá trình thực hiện việc rút tiền, nhân viên ngân hàng phát hiện bà Thực có biểu hiện lạ liền gọi điện báo ngay cho lực lượng Công an xã Đại Cường.
Sau khi nhận được thông tin, Công an xã Đại Cường đã cử lực lượng lập tức đến ngân hàng để xác minh. Lực lượng Công an gặp bà Thực trong tình trạng hoang mang, lo sợ, trên tay cầm số tiền 72 triệu đồng mới rút ra từ ngân hàng nên đã mời bà Thực về trụ sở để xác minh.
Quá trình làm việc, cơ quan Công an nhận định đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lừa đảo qua mạng, Công an xã đã trấn an tinh thần, động viên bà Thực. Sau một thời gian được Công an xã trấn an, giải thích bà Thực đã bình tĩnh lại, không còn lo sợ nữa. Công an xã đã đưa bà Thực cùng toàn bộ số tiền 72 triệu động của bà Thực đến ngân hàng và gửi lại vào tài khoản cho bà Thực…
Công an xã Đại Cường đã tìm hiểu, kịp thời ngăn chặn vụ ừa đảo, giữ lại tài sản cho bà Phạm Thị Thực. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn giữ lại được tài sản, khi đã rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Ngày 27/7, Công an phường Bưởi, quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của bà H (sinh năm 1954, trú tại Long Biên, Hà Nội).
Trong đơn trình báo, bà H cho biết đã nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an thành phố Hà Nội, nói bà có liên quan đến vụ án cơ quan Công an đang điều tra. Đối tượng yêu cầu bà chuyển 5 tỷ đồng để phục vụ công tác điều tra. Sau đó, bà H đã đến ngân hàng chuyển trước 1 tỷ đồng cho các đối tượng…
Tương tự bà H, trước đó, ngày 11/7, bà L (sinh năm 1951; trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu bà chuyển tiền để xác minh…
Do sợ nên bà L đã chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản đối tượng cung cấp. Sau đó, bà L kể lại với người thân trong gia đình thì mới biết bị lừa, sau đó đến cơ quan Công an trình báo.
Theo cơ quan Công an, đây là hình thức lừa đảo không mới, nhưng phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Ngoài việc giả danh Công an, hiện nay các đối tượng còn giả danh cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và các cơ quan chức năng nhằm đánh vào tâm lý lo sợ của người bị hại, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thường nhắm vào những cán bộ hưu trí có tiền tích lũy, người kinh doanh buôn bán, người trung tuổi có con cái lớn, trưởng thành hoặc đi làm ăn xa…
Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác. Đặc biệt là nhiều cụ bà, cụ ông lớn tuổi do chủ quan, ít cập nhật thông tin cảnh báo lừa đảo đã sập bẫy của các đối tượng.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi hêu cầu qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Nguồn: Báo lao động thủ đô