Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh

(Xây dựng) – Sáng 10/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả kinh tế – xã hội và thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp tục hoàn thành những chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hội nghị đi thẳng vào những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, những nội dung làm tốt thì rút ra kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn. Thủ tướng yêu cầu hội nghị tập trung thảo luận để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, kinh tế được thúc đẩy…

Thủ tướng đánh giá, hiện nay còn nhiều vướng mắc về thể chế, nhưng cần quyết tâm chính trị cao để tháo gỡ. Vừa qua, Chính phủ quyết liệt dùng một luật để sửa nhiều luật và việc này đang được đẩy mạnh trong thời gian tới.

“Với tính chất quan trọng của hội nghị, tôi yêu cầu hội nghị tập trung đưa ra các đánh giá khách quan, trung thực, rút ra bài học kinh nghiệm để chỉ đạo, lãnh đạo tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước tăng 6,46% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19,64% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công đến 12/7/2024 đạt 11.511 tỷ đồng, đạt 14,5% kế hoạch vốn năm 2024. Tính chung 7 tháng năm 2024 vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước ước thực hiện 20.744,4 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ (7 tháng năm 2023 thực hiện 19.927,9 tỷ đồng).

Trong tháng 7, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,6%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9%; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,2% so với cùng kỳ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh
Toàn cảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại năm 2024, UBND Thành phố đã đề ra các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, trong đó: Thành phố đã phê bình các đơn vị chậm trễ, chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc, giao trách nhiệm cụ thể cho từng Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; yêu cầu các đơn vị rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ vì lý do chủ quan; đề nghị nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; trực tiếp kiểm tra, giám sát, bám sát tiến độ thực hiện và giải quyết các thủ tục liên quan.

Đồng thời, Thành phố cũng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án có vướng mắc pháp lý vượt ngoài thẩm quyền của Thành phố để giải ngân số vốn đã cân đối cho các dự án này. Chủ động có phương án điều chuyển tạm số vốn cân đối cho các dự án này để bố trí cho các dự án khác có thể giải ngân ngay trong thời gian chờ các bộ, ngành và cơ quan có liên quan xử lý vướng mắc cho dự án.

Ngoài ra, Thành phố cũng đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện rà soát hồ sơ Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tiếp thu, giải trình theo Báo cáo thẩm định quy hoạch; đã hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060 trình Bộ Xây dựng.

Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược; thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); Thành phố tập trung chuẩn bị một số đề án, dự án trọng điểm: Đề án phát triển Hệ thống đường sắt đô thị Thành phố, Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố; Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ,…

Nghị quyết 98 giúp Thành phố thuận lợi hơn

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, người đứng đầu UBND Thành phố cho biết: Thành phố đã ưu tiên bố trí 2.796 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo năm 2023 và đã giải ngân đạt 100% cho gần 39.000 khách hàng.

Năm 2024, Thành phố bố trí 998 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo và đã giải ngân đạt tỷ lệ 100% cho 13.658 lượt khách hàng vay vốn thuộc Chương trình giảm nghèo; bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội; bố trí 2.900 tỷ đồng cho dự án Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài; ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngành văn hóa và thể thao với 23 dự án với tổng mức đầu tư 22.394 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Nghị quyết 98 được xem là nghị quyết đầy đủ, toàn diện với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau. Nghị quyết dựa trên 3 nguyên tắc chính là “khơi thông tối đa các nguồn lực”, “phân cấp phân quyền tối đa” và “cho phép thực hiện một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn”. Đây được xem là đòn bẩy hiệu quả để Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững.

Để thực hiện Nghị quyết 98, Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua 35 nghị quyết của HĐND, 33 quyết định của UBND và đã hoàn thành 10/25 nhiệm vụ. Đặc biệt là việc ban hành nghị định về thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh…

Bên cạnh những mặt tích cực và kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 còn một số tồn tại như: Các Bộ, ngành còn phối hợp, triển khai chậm nhiệm vụ; một số nhiệm vụ tại Nghị quyết 98 lại được các Bộ, ngành nghiên cứu, áp dụng cho cả nước nên cần thêm thời gian, như nhiệm vụ xây dựng quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà; đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; nhiệm vụ nghiên cứu tổng thể đối với các tỉnh, thành có mức chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo quốc gia để đề xuất phương án, giải pháp cụ thể.

Cùng đó, nhiều đề án, dự án cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng chưa xác định được nguồn vốn để bố trí ngay trong giai đoạn 2021-2025 như: Dự án đầu tư mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; Dự án mở rộng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương; Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần có giải pháp quyết liệt trong 5 tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành dự toán Thủ tướng giao để được áp dụng điều khoản thưởng, đầu tư trở lại theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết 98. Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần rà soát quá trình triển khai các cơ chế xem còn vướng mắc nào chưa phù hợp cho phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, xác định rõ thẩm quyền xử lý, đề xuất kiến nghị, giải pháp, báo cáo Thủ tướng để xem xét, chỉ đạo xử lý.

Kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc của dự án

Tại Hội nghị, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung quan trọng như đôn đốc Bộ Công Thương phối hợp UBND Thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình ban hành Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp. Xem xét các nội dung vướng mắc trong hoạt động mua bán tín chỉ carbon của các chủ dự án, đặc biệt là khi mua bán tín chỉ carbon ra thị trường nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ nhiều dự án trọng điểm bị vướng mắc.

Thành phố kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư các dự án CRUS1 và CRUS2; phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án Vệ sinh môi trường Thành phố, giai đoạn 2 và dự án Tuyến Metro số 1 làm cơ sở cho Thành phố thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án theo cam kết với các nhà tài trợ nước ngoài; phê duyệt dự án Khu công nghiệp chuyên ngành Y – Dược tại Thành phố vào Danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư; tiếp tục cấp vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho Khu công nghệ cao đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao mở rộng…

Chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện dự án Xây dựng đường Vành đai 2 Thành phố; hoàn thiện sớm thông qua: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị; Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích