Khởi nghiệp ngành bán dẫn cần lưu ý những gì?

Việt Nam hiện có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn, đặc biệt có khoảng 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động. PGS. TS Nguyễn Ngọc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cho rằng, đây là những điều kiện rất thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận vào những chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về công nghiệp bán dẫn, từ đó xây dựng những định hướng phát triển phù hợp.

  Ngành bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. 

Nhà nước đang tạo rất nhiều cơ hội cho các công ty nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn.

“Có 4 thành tố trong công nghiệp bán dẫn. Thứ nhất là nghiên cứu, thiết kế, phát triển các vi mạch (IC). Thứ hai là chế tạo linh kiện điện tử. Đây là yếu tố dùng trong công nghiệp điện tử, bao gồm công nghiệp bán dẫn. Thứ ba là chế tạo ra các máy để chế tạo ra thiết bị điện tử (máy của máy). Thứ tư rất quan trọng, là vật liệu bán dẫn. Tiềm năng về đất hiếm của Việt Nam rất lớn. Và để làm công nghiệp bán dẫn thì phải các thành tố này”.

Còn theo GS. TS Nguyễn Đức Hòa, Phó Hiệu trưởng trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nay chúng ta mới bắt đầu nói nhiều về bán dẫn, nhưng lâu nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang làm một số ngành nghề có tính tương đồng và đang đáp ứng được phần nào những nhu cầu của các doanh nghiệp FDI công nghệ.

“Lĩnh vực bán dẫn rất lớn, không quốc gia nào có thể tự chủ được tất cả. Ở Việt Nam, chúng ta không thể nhảy vào cạnh tranh sản xuất bởi vì TSMC rất mạnh rồi, chúng ta phải nhìn đâu là cơ hội?. Rõ ràng, Nhà nước không thể đầu tư gói tiền khổng lồ để xây dựng một tập đoàn hay nhà máy lớn nhưng Nhà nước đang tạo rất nhiều cơ hội cho các công ty nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp để có nhiều lựa chọn”.

Thực tế hiện nay, khi kết nối giữa doanh nghiệp FDI và SME trong nước khối FDI bao giờ cũng yêu cầu sản phẩm phải đạt chuẩn thì mới được tham gia vào chuỗi cung ứng. Để đạt chuẩn, nhiều doanh nghiệp SME sẽ phải cải tiến lại máy móc, thiết bị, quy trình sản xuất… Tuy nhiên, doanh nghiệp SME thì quan điểm, nếu doanh nghiệp FDI có cam kết hợp đồng thì họ mới đầu tư, cải tiến. Đây là bài toán “con gà và quả trứng”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (cơ sở Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SME trong nước cần phải làm tốt việc của mình và phải luôn không ngừng tiến bộ. Đừng tư duy, khi cơ hội đến tôi mới làm, khi đó cơ hội sẽ vụt mất. Đồng thời, bà cũng chia sẻ một số mô hình khởi nghiệp trong chuỗi công nghiệp bán dẫn hiện nay.

“Ví dụ, sau thời gian đi làm tại các doanh nghiệp FDI, sau khi thu được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, net work và hiểu được sâu thị trường thì lúc đó các bạn mới bắt đầu ra khởi nghiệp. Và đã có rất nhiều câu chuyện thành công. Mô hình thứ hai, các bạn đi du học ở nước ngoài sau đó về Việt Nam để khởi nghiệp. Mô hình tiếp theo, theo kinh nghiệm quốc tế, mô hình khởi nghiệp tại nhà trường là mô hình được các nước làm rất mạnh. Việt Nam cũng có lực lượng đông đảo sinh viên, giáo viên có chuyên môn. Kỳ vọng, đây cũng là “cái nôi” để có những dự án, thương mại hóa được các sản phẩm cho ngành công nghiệp bán dẫn”.

Cũng theo bà Quyên, trong quá trình đàm phám với các doanh nghiệp FDI, họ rất cần các thông tin như ở từng khu vực thì có những doanh nghiệp nào đủ tiêu chuẩn sản xuất những thứ họ cần; nhưng hiện dữ liệu về những doanh nghiệp đạt chuẩn hiện còn rất hạn chế.

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp rà soát, tổng hợp danh sách doanh nghiệp trong từng lĩnh vực mà còn hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước nhằm đáp ứng tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.

Hoàng Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích