Thanh Hóa: HĐND tỉnh ra nghị quyết sáp nhập, giải thể nhiều đơn vị hành chính
(Xây dựng) – HĐND tỉnh Thanh Hóa vừa ra 2 nghị quyết về việc tán thành chủ trương sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa trong thời gian sớm nhất và chủ trương sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2025.
Một góc thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn. |
Ngày 30/7, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa; thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của thành phố Thanh Hóa.
HĐND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ đề án, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhập toàn bộ 82,87km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 101.272 người của huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hóa. Sau sáp nhập, thành phố Thanh Hóa rộng 228,22km2, quy mô dân số 615.106 người. Sau khi sáp nhập sẽ giữ nguyên tên gọi là thành phố Thanh Hóa.
Lý do là danh xưng Thanh Hóa đã có từ năm 1029, tên gọi của lỵ, sở trước đây hay thành phố ngày nay luôn gắn liền với danh xưng của tỉnh với tên gọi Thanh Hóa nội trấn (trấn Thanh Hóa). Năm 1889, khi thành lập thị xã đã lấy tên gọi là Thanh Hóa; năm 1994, khi thành lập thành phố, cũng lấy tên gọi Thanh Hóa. Như vậy, tên Thanh Hóa đã có lịch sử gần 1.000 năm. Đây là một trong những vùng đất mang đậm bản sắc của nền văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy Đông Sơn cho biết: “Đồ án quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đã xác định mở thêm hướng phát triển về phía Tây huyện Đông Sơn để gắn kết thành phố Thanh Hóa với tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và kết nối mạnh hơn sự phát triển của trung tâm động lực kinh tế của tỉnh thành phố Thanh Hóa – thành phố Sầm Sơn – khu vực miền Tây của tỉnh.
Do đó, việc nhập sáp nhập địa giới hành chính huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị Thanh Hóa (đạt tiêu chí đô thị loại I) là phù hợp với thực tiễn và các định hướng của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa”.
Ngoài ra, thành phố Thanh Hóa trước khi sáp nhập có quy mô dân số hơn 500.000 người, có rất nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nên giữ tên gọi thành phố Thanh Hóa sẽ làm giảm tác động, ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, tên gọi hiện nay phù hợp với định danh đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa trong nhiều văn bản quan trọng của Trung ương và của tỉnh. Sau khi sáp nhập, thành phố Thanh Hóa sẽ có 47 đơn vị hành chính (gồm 33 phường và 14 xã).
Giai đoạn sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, sẽ tiến hành thành lập 4 phường, gồm: Rừng Thông, Đông Thịnh, Hoằng Quang và Hoằng Đại; tiến hành sáp nhập phường Tân Sơn với phường Phú Sơn, lấy tên là phường Phú Sơn.
Một góc đường Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa. |
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cho rằng, việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường trực thuộc thành phố Thanh Hóa, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng đắn, quan trọng đã được quy định tại kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hoạt động lấy ý kiến cử tri là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Thanh Hóa.
Cùng ngày, HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành chủ trương sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025. Qua đó, tán thành việc giải thể xã Hải Yến (thị xã Nghi Sơn).
Theo đó, diện tích xã Hải Yến sẽ được chia cắt, sáp nhập vào các phường Mai Lâm, Tĩnh Hải, Hải Thượng và Nguyên Bình. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2019 (thời điểm tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã), ở tỉnh Thanh Hóa tiến hành giải thể một đơn vị cấp xã.
Ngoài ra, một số đơn vị hành chính sẽ tiến hành sáp nhập trong giai đoạn 2024 – 2025 gồm: Sáp nhập xã Quảng Đại với xã Quảng Hùng để thành lập xã Đại Hùng (thành phố Sầm Sơn); sáp nhập xã Nga Trung với xã Nga Bạch để thành lập xã Nga Hiệp (huyện Nga Sơn); sáp nhập xã Hà Thái với xã Hà Lai để thành lập xã Thái Lai (huyện Hà Trung).
Sáp nhập xã Phong Lộc với xã Tuy Lộc lấy tên là xã Tuy Lộc (huyện Hậu Lộc); sáp nhập xã Hoằng Phượng với xã Hoằng Giang lấy tên là xã Hoằng Giang (huyện Hoằng Hóa); sáp nhập xã Yên Lạc với xã Yên Ninh lấy tên là xã Yên Ninh (huyện Yên Định).
Sáp nhập xã Xuân Thịnh với xã Xuân Lộc lấy tên là xã Xuân Lộc, sáp nhập xã Thọ Vực với xã Thọ Phú lấy tên là xã Thọ Phú (huyện Triệu Sơn); sáp nhập xã Thạch Đồng với xã Thạch Long lấy tên là xã Thạch Long (huyện Thạch Thành).
Sau khi ban hành các nghị quyết trên, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn chỉnh hồ sơ, đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nguồn: Báo xây dựng