Gần 100 cán bộ tỉnh Đồng Tháp được bồi dưỡng về phát triển đô thị thông minh bền vững

(Xây dựng) – Ngày 6/8, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) đã phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp tổ chức triển khai khóa bồi dưỡng phát triển đô thị thông minh bền vững thuộc Dự án thành lập Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng (Dự án VKC). Khóa học với gần 100 học viên là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các Sở, ngành, thành phố, huyện trực thuộc tại địa phương.

Gần 100 cán bộ tỉnh Đồng Tháp được bồi dưỡng về phát triển đô thị thông minh bền vững
TS.KTS Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện AMC, Giám đốc Dự án VKC nhấn mạnh ý nghĩa của công tác quy hoạch gắn với phát triển đô thị thông minh.

Thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030” (Đề án 950), Bộ Xây dựng đã huy động sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Theo đó, Bộ Xây dựng đã ký thỏa thuận với Bộ Giao thông, Đất đai và Hạ tầng Hàn Quốc (MOLIT) tiếp nhận Dự án VKC.

Căn cứ chức năng nhiệm vụ và năng lực, Học viện AMC đã được Bộ Xây dựng giao làm chủ Dự án VKC tại Quyết định số 387/QĐ-BXD ngày 12/5/2022. Dự án bao gồm 04 hợp phần, trong đó có hợp phần “Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và triển lãm công nghệ về đô thị thông minh”.

Gần 100 cán bộ tỉnh Đồng Tháp được bồi dưỡng về phát triển đô thị thông minh bền vững
Ông Lê Văn Ngọt, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp khẳng định: “Khóa bồi dưỡng về đô thị thông minh có ý nghĩa quan trọng nhằm phục vụ kịp thời công tác phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh”.

Khóa học tại Đồng Tháp lần này sẽ giúp cho cán bộ, công chức của tỉnh có những kiến thức nền tảng và sâu rộng hơn về quản lý đô thị thông minh, góp phần thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg. Nội dung chương trình thiết thực bao gồm lý thuyết, thảo luận trao đổi các tình huống vướng mắc tại địa phương. Kết thúc khóa học, học viên sẽ nắm vững những kiến thức, kỹ năng quản lý để áp dụng hiệu quả vào công việc thực tế của mình.

Chương trình với các nội dung chính sau: Giới thiệu hệ thống văn bản pháp luật, chính sách, thể chế; Cách tiếp cận đô thị thông minh; Nội hàm Đề án phát triển đô thị thông minh; Quy hoạch đô thị thông minh bền vững; Cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS và chuyển đổi số; Nguồn lực phát triển đô thị thông minh; Hạ tầng, dịch vụ tiện ích đô thị thông minh.

Gần 100 cán bộ tỉnh Đồng Tháp được bồi dưỡng về phát triển đô thị thông minh bền vững
Toàn cảnh khóa học.

Khóa đào tạo bồi dưỡng phát triển đô thị thông minh bền vững sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế, pháp luật về phát triển đô thị thông minh. Đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp quản lý tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích