“Bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và được ưa chuộng”
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh khiến thị trường BĐS cả nước ngưng trệ trong hơn 2 tháng. Các dự án phát triển phải ngừng hoạt động xây dựng và hoàn thiện thủ tục đầu tư, đứt gãy các chuỗi sản xuất cung cấp vật liệu, thiết bị cho các công trình làm ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường. Nhiều chủ đầu tư BĐS tạm dừng triển khai bán dự án mới. Bên cạnh đó, các lệnh giãn cách cũng khiến nhà đầu tư và khách hàng không thể đi xem nhà đất để xuống tiền.
Do đó, khi dịch Covid-19 từng bước được khống chế, việc đi lại thuận tiện hơn, thị trường BĐS được kỳ vọng trở lại guồng giao dịch, thậm chí có đà tăng trưởng tốt hơn trước. Trước những kỳ vọng đó, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia của Savills về thị trường BĐS trong thời gian tới.
Thách thức đối với thị trường BĐS
Người Đưa Tin (NĐT): Khi dịch bệnh được kiểm soát và việc đi lại thuận tiện hơn, ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của thị trường BĐS Việt Nam?
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội: Một khi dịch bệnh được kiểm soát và các hạn chế đi lại được nới lỏng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn và nghỉ dưỡng sẽ có thể bắt đầu quay trở lại hoạt động.
Ngoài ra, BĐS công nghiệp vẫn sẽ tiếp tục được mở rộng với những loại hình mới về bất động sản logistics hay trung tâm dữ liệu.
Tuy gặp nhiều khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội nhưng thị trường bán lẻ vẫn được kỳ vọng có thể quay trở lại khá tốt bởi nhu cầu mua sắm sẽ tăng trưởng khi mọi người bắt đầu được ra ngoài và đi lại.
Thực tế là thị trường văn phòng vẫn có những hoạt động ổn định trong thời gian vừa qua, đặc biệt các nhóm khách thuê lớn tận dụng cơ hội này để tái cấu trúc lại văn phòng làm việc và đàm phán để đạt được những chính sách tốt hơn.
Những thách thức hiện có đối với thị trường có thể kể đến khó khăn trong việc di chuyển và đi lại giữa các tỉnh và giữa các nước khi lệnh hạn chế đi lại vẫn chưa hoàn toàn được dỡ bỏ.
Từ đó dẫn tới những rào cản nhất định đối với chuỗi cung ứng cũng như việc di chuyển của lực lượng lao động, đặc biệt đối với những ngành sản xuất.
Điều này có thể giải quyết khi độ phủ vắc-xin được trải rộng toàn quốc, hơn là tập trung tại một số thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.
Để có thể đạt được độ phủ vắc-xin thì cần thêm thời gian, do đó đây là thách thức lớn đối với thị trường hiện tại.
NĐT: Tiềm năng của thị trường BĐS so với các kênh đầu tư khác hiện nay như thế nào?
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội: Trên thực tế, nguồn cầu sẵn có cho BĐS nhà ở tại Hà Nội là rất lớn, được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự tăng trưởng trong vốn sở hữu cá nhân, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng như sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tiếp cận nhiều khu vực của thành phố.
Thậm chí, ngay trong điều kiện Covid-19 hiện nay, chúng tôi vẫn ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ đối với BĐS nhà ở. Trong các giao dịch được ghi nhận, phần lớn vẫn là từ vốn sở hữu cá nhân của các nhà đầu tư.
Mặc dù những tháng gần đây tình hình dịch bệnh đã đặt ra những khó khăn nhất định, song, đang có những cải thiện đáng kể, do vậy chúng ta có thể tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ trong nhu cầu vào thời gian tới.
Ngoài ra, BĐS vẫn là một kênh đầu tư an toàn và được ưa chuộng khiến giá nhà vẫn sẽ tiếp tục tăng. Người mua sẽ phải lựa chọn phân khúc cũng như vị trí BĐS phù hợp với khả năng tài chính của chính mình.
Đâu là những điểm đầu tư đáng chú ý thời gian tới?
NĐT: Việc nới lỏng giãn cách, trở lại cuộc sống bình thường mới, đâu là phân khúc BĐS sẽ hồi phục nhanh chóng và trở thành điểm sáng trong thời gian tới? Lĩnh vực BĐS nào sẽ hứa hẹn tiềm năng tăng giá?
Bà Đỗ Thu Hằng: Liên quan đến BĐS đô thị, các phân khúc căn hộ và khu biệt thự liền kề có điều kiện phục hồi nhanh hơn so với phân khúc khác.
Trong xu hướng tới đây, các tỉnh mà đang ở vùng xanh thì các hoạt động đầu tư có những sự thuận lợi và sẽ thuận lợi hơn nếu có sự đi lại giữa các tỉnh, việc phục hồi của các phân khúc về nhà ở sẽ trở nên tốt hơn.
Đối với thị trường căn hộ, diễn biến thị trường cuối năm sẽ tích cực hơn so với các quý trước đó với việc tăng trưởng nguồn cung và phục hồi tỉ lệ hấp thụ, giá bán sơ cấp sẽ duy trì ổn định.
Theo sau đó là những phân khúc thuộc vào tính chất phát triển của từng địa phương. Đơn cử như địa phương sở hữu những lợi thế về phát triển du lịch thì phân khúc khách sạn sẽ có sự phục hồi tốt hơn.
Các địa phương có thế mạnh về phát triển công nghiệp thì các dòng sản phẩm về căn hộ dịch vụ, nhà ở và BĐS công nghiệp sẽ có sự phục hồi tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng khả năng phục hồi của thị trường cũng đồng thời phụ thuộc vào sự kiểm soát dịch Covid-19.
NĐT: Thời gian gần đây, thị trường phía Đông Hà Nội được nhắc đến như một “ngôi sao sáng”, bà có đánh giá như thế nào về tiềm năng của BĐS khu vực này?
Bà Đỗ Thu Hằng: Giá bán của các sản phẩm nhà ở thấp tầng ở khu vực phía Đông đang ở mức cạnh tranh so với các khu vực khác ở Hà Nội nhờ sự cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội bao gồm trung tâm thương mại, bệnh viên cao cấp, công viên, không gian xanh…
Hơn nữa, nguồn cung nhà ở thấp tầng trong tương lai gần ở khu vực phía Đông là không nhiều, chủ yếu là các khu có quy mô nhỏ. Số lượng các dự án có quy mô lớn thì ít và đang lập quy hoạch.
Điểm này có thể tạo ra những thuận lợi cho các dự án đã phát triển, các khu dân cư hiện hữu, các dự án được tiếp tục quy hoạch của khu vực này cũng như các dự án đô thị lớn tại các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh.
Thị trường nhà ở trên khắp thế giới đã có sự phục hồi đáng kể trước những biến động kinh tế do đại dịch gây ra. Trong năm 2020, giá nhà ở tại Auckland tăng 19%, tại Seattle tăng 14% và tại Berlin cũng tăng 11%. Giá nhà ở thấp tầng tại Hà Nội cũng không phải ngoại lệ với giá thứ cấp tăng trong năm 2020 cho cả ba loại hình và tiếp tục trong năm 2021 với biệt thự ở mức 15%, 14% đối với nhà liền kề và 13% đối với nhà phố thương mại.
Với kế hoạch đưa các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và Thanh Trì lên thành các quận trung tâm trước năm 2025, những khu vực này sẽ trở thành những điểm đầu tư đáng chú ý.
Thêm vào đó, quy hoạch nội đô lịch sử với mục tiêu xác định cần giảm khoảng 215.000 dân trong giai đoạn 2020-2030.
Về tổng thể, 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử có quy mô nghiên cứu trên 2.700ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.0000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
Các dự án nhà ở sẽ được hưởng lợi từ việc di dân từ khu vực nội đô lịch sử, đặc biệt tại các quận giáp ranh và nổi trội tại khu vực phía Đông khi đã có một số dân cư phố cổ trước đây chuyển sang khu vực này sinh sống do các điều kiện hạ tầng tốt cùng việc đi lại thuận tiện.
NĐT: Sau những đợt dịch Covid-19, trên thị trường có xuất hiện những xu hướng phát triển BĐS mới nào không, thưa ông?
Ông Matthew Powell: Một số xu hướng phát triển mới của thị trường BĐS Việt Nam thời gian vừa qua có thể kể đến như việc xuất hiện các trung tâm dữ liệu của BĐS công nghiệp hoặc việc các chủ đầu tư đang mang tới nhiều lựa chọn về nhà ở có thương hiệu tập trung tại các thành phố, đô thị lớn hơn là chỉ tập trung tại các địa điểm ven biển như trước kia.
Thêm vào đó, BĐS vùng ven trên toàn cầu đang cho thấy nguồn cầu mạnh mẽ. Người dân có xu hướng rời xa các thành phố với mật độ dân cư cao cũng như quen dần với sự thuận tiện của xu thế làm việc ở nhà mang lại. Hà Nội cũng đang mở rộng ra các vùng ven do sự ảnh hưởng của các yếu tố về giá và hạ tầng.
Nguồn cung mới hạn chế và hàng tồn kho giá cao khiến các chủ đầu tư chuyển hướng sang các tỉnh lân cận. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng được cải thiện đồng thời thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh.
NĐT: Nhà đầu tư cần có sự chuẩn bị thế nào khi tham gia vào thị trường BĐS trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022. Chuyên gia có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư trước khi xuống tiền? Những tiêu chí tiên quyết cần đặt ra là gì?
Ông Matthew Powell: Các nhà đầu tư cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng đối với tiềm năng phát triển của kênh đầu tư mà họ lựa chọn. Đối với BĐS, các yếu tố đảm bảo giá trị có thể kể đến như cơ sở hạ tầng, uy tín và tên tuổi của chủ đầu tư, chất lượng của dự án và đồng thời là các dự án hạ tầng quan trọng được quy hoạch rõ ràng.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn!
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu