Từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình

Nỗi lo bạo lực gia đình

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục nhưng chỉ có 4,8% người tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan công an.

Trong thực tế, không ít các vụ việc bố mẹ đánh đập con, chồng bạo hành vợ… dẫn đến gây thương tích, người thành nạn nhân, kẻ phải chịu trách nhiệm hình sự, gia đình tan vỡ… đã xảy ra. Các hành vi bạo lực không chỉ trực tiếp gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thể chất, tinh thần của con người mà còn làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực đạo đức, phá vỡ sự bền vững của gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình
Ảnh minh họa

Theo cơ quan soạn thảo Dự án Luật sửa đổi Luật PCBLGĐ, nhận diện chưa đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình khiến nhận thức về bạo lực gia đình khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân. Từ đó dẫn đến những bất cập trong việc triển khai các biện pháp PCBLGĐ và thu thập thông tin về bạo lực gia đình. Công tác hòa giải trong PCBLGĐ cũng chưa phát huy được hiệu quả.

Bên cạnh đó, hiện nay, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân. Hình thức phạt tiền đối với người có hành vi bạo lực gia đình chưa được quy định cụ thể. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực là người đứng ra nộp phạt và số tiền nộp phạt lấy từ tài sản chung của gia đình. Điều này khiến cho nạn nhân không muốn tố cáo hành vi bạo lực gia đình trong lần tiếp theo…

Nghĩa vụ của mỗi cá nhân

Việc sửa đổi Luật PCBLGĐ là hết sức cần thiết. Theo cơ quan soạn thảo, Dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) tập trung vào ba nội dung chính: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ; khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ.

Theo tờ trình Dự thảo luật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luật PCBLGĐ hiện hành chưa đưa ra các quy định cụ thể về nội dung quản lý Nhà nước về PCBLGĐ và quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ.

Qua kiểm tra công tác thi hành pháp luật về PCBLGĐ, kết quả cho thấy, hầu như chưa có địa phương nào thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong báo cáo về PCBLGĐ trước Hội đồng nhân dân cùng cấp…

Theo Dự thảo, người bị bạo lực gia đình có quyền yêu cầu các thành viên gia đình và xã hội tôn trọng, bảo vệ, hỗ trợ; đảm bảo chỗ ở an toàn và giữ bí mật đời tư; thông tin về các quyền và nghĩa vụ liên quan khi giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, xử lý vụ việc bạo lực gia đình. Người bị bạo lực được hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu như: Được bố trí chỗ ở tạm thời; được hỗ trợ ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác dựa trên đặc điểm về lứa tuổi, giới, tình trạng sức khỏe của người bị bạo lực gia đình.

Đồng thời, được yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm tiếp xúc; bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác; được bố trí chỗ ở an toàn, được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật. Trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ phí dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật, được hỗ trợ đào tào nghề, giới thiệu việc làm; vay vốn phát triển kinh tế gia đình…

Để ngăn chặn các hành vi bạo lực, Dự thảo luật quy định các cá nhân trong cộng đồng có nghĩa vụ yêu cầu người gây bạo lực chấm dứt ngay hành vi bạo lực; báo tin ngay đến các địa chỉ theo quy định; tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực, đưa người bị bạo lực đến cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp cần sự trợ giúp y tế.

Ưu tiên mọi nguồn lực

Kế thừa Luật hiện hành, Dự thảo luật quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền ban hành quyết định cấm tiếp xúc theo đề nghị của người bị bạo lực, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trên cơ sở đồng thuận của người bị bạo lực trong quá trình xét xử vụ án về bạo lực gia đình. Thời gian cấm tiếp xúc không quá 3 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

Từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình
Tùy theo mức độ vi phạm, bạo lực gia đình có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. (Ảnh minh họa)

Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình tối thiểu 50 m, trường hợp có vật ngăn cách đảm bảo an toàn thì không giới hạn khoảng cách. Công an cấp xã phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc. Đồng thời, Công an các cấp có trách nhiệm áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực trong quá trình can thiệp, hỗ trợ và xử lý vi phạm…

Nhà nước lấy tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ. Nhà nước sẽ bảo đảm nguồn lực cho công tác PCBLGĐ; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động PCBLGĐ ở cộng đồng; đẩy mạnh hình thức giáo dục nêu gương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chấp hành pháp luật về PCBLGĐ. Đồng thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ và phát triển cơ sở trợ giúp PCBLGĐ.

Cơ sở trợ giúp PCBLGĐ ngoài công lập được hưởng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và giáo dục đào tạo. Các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác PCBLGĐ sẽ được biểu dương, khen thưởng, nếu bị thiệt hại tài sản mà người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thì được Nhà nước hoàn trả, cá nhân bị tổn hại về sức khỏe được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe…

Thực tế cho thấy, tình trạng bạo lực gia đình có giảm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, cùng với việc sửa đổi, bổ sung luật để tạo hành lang pháp lý phù hợp, còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn hòa giải và phòng, chống tệ nạn xã hội. Từ đó giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, dần xóa bỏ bạo lực, đề cao truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam./.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích