Bệnh viện Nhi đồng 1 bị phạt do xả thải vượt quy chuẩn
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, cơ quan này vừa ra ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) gần 333 triệu đồng vì đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.
Theo đó, Kết luận thanh tra số 17/2024 về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 nêu rõ, thanh tra phát hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020, 2021 của bệnh viện Nhi đồng 1 tại TP.Hồ Chí Minh không đúng theo mẫu báo cáo quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT.
Bên cạnh đó, Bệnh viện không báo cáo tổng khối lượng phát sinh chất thải nguy hại nhưng theo thanh tra, tồn tại này chưa được quy định là hành vi vi phạm hành chính.
Bệnh viện Nhi đồng 1 bị phạt do xả thải vượt quy chuẩn.
Ngoài ra, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng không có Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước từ ngày 13/4/2021 đến ngày 8/5/2022. Dù vậy, hành vi này không bị thanh tra xử phạt do thực hiện trong bối cảnh “bất khả kháng” theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt, cơ quan thanh tra phát hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200m3/ngày đến dưới 400m3/ngày. Từ những sai phạm trên, Bộ TN&MT đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Bệnh viện Nhi đồng 1 gần 333 triệu đồng.
Cũng liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực môi trường, một bệnh viện khác là Bệnh viện Đa khoa Bình Dương vừa bị Thanh tra Bộ TN&MT phát hiện thực hiện không đúng một trong số các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bệnh viện cũng không lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được phân loại; thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung về quan trắc nước thải. Từ những sai phạm trên, Bệnh viện Đa khoa Bình Dương cũng bị Bộ TN&MT xử phạt số tiền 370 triệu đồng.
Theo quy định xử lý nước thải y tế của nhà nước thì nước thải cơ sở y tế phải được xử lý và đảm bảo việc khử trùng hiệu quả trước khi thải ra môi trường sống. bên cạnh đó, nước thải bệnh viện, phòng khám phải được loại bỏ triệt để các chất như nồng độ pH, Shigella, BOD5, COD, tổng hàm lượng chất rắn, nitrat, photpho, coliform, amoni, chất phóng xạ… phải được cân bằng và xử lý đạt hiệu quả cao.
Các bệnh viện, phòng khám trên khắp cả nước cần thiết kế và lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT thì mới được đưa vào hoạt động và vận hành chính thức. Nếu bệnh viện, phòng khám nào không hoặc chưa được lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sẽ không được cấp chứng chỉ hoạt động của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, trường hợp bệnh viện, phòng khám đã có hệ thống xử lý nước thải riêng biệt nhưng hiệu quả và công suất hoạt động chưa cao, kém chất lượng do chỉ số thải ra môi trường vượt quá mức cho phép theo quy chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT thì bệnh viện đó sẽ bị xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP và nghị định 55/2021/NĐ-CP. Chính vì vậy cần tìm những công ty giải pháp môi trường để thay đổi, nâng cấp lại hệ thống xử lý nước thải sao cho phù hợp với cơ sở y tế và cho ra nguồn nước thải đạt chuẩn, an toàn với môi trường.
Mức độ xử phạt các cơ sở y tế vi phạm quy định xử lý nước thải y tế
Theo điều 13, xử phạt vi phạm xả nước thải y tế vào môi trường như sau: Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 02 lần bị xử phạt tiền thấp nhất từ 1.000.000 đến 700.000.000 đồng; Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 02 lần đến dưới 05 lần bị xử phạt thấp nhất từ 10.000.000 đến 750.000.000 đồng; Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần đến dưới 10 lần bị xử phạt thấp nhất từ 20.000.000 đến 850.000.000 đồng; Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên bị xử phạt thấp nhất từ 30.000.000 đến 950.000.000 đồng
Phạt tăng thêm 1% đối với trường hợp vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 02 lần; 2% đối trường hợp vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 đến dưới 05 lần; 3% đối với trường hợp vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 đến dưới 10 lần; 4% đối với trường hợp vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường từ 03 đến 12 tháng tùy theo trường hợp vi phạm quy định của nhà nước.
An Nguyên