Bình Phước công khai 65 cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy

(Xây dựng) – Các cơ sở này chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến hạt điều, gỗ, nội thất và kinh doanh dịch vụ karaoke…

Bình Phước công khai 65 cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
Bình Phước công khai 65 cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. (Ảnh minh họa)

Trong danh sách này có 31 cơ sở chế biến hạt điều và ép dầu điều với nhiều cái tên như: Công ty TNHH TM DV XNK NS Bảo Ngân, Công ty TNHH MTV Tân Hoàng Ngân, Công ty TNHH TM DV Anh Hằng, Công ty TNHH MTV TM XNK Hoàng Long… và nhiều Hộ kinh doanh khác trên địa bàn.

Ngành sản xuất liên quan đến gỗ có 19 cơ sở gồm chế biến gỗ, sản xuất nội thất, giấy, mùn cưa… như: Công ty TNHH TM SX gỗ Thiên Toàn Phát, Công ty TNHH MTV gỗ Hà Nam, Công ty TNHH MTV Quang Huy… Còn lại là các cơ sở kinh doanh khác như dịch vụ karaoke, phòng khám chữa bệnh, các cơ sở buôn bán hàng may mặc.

Việc Bình Phước công khai các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy là một trong những hành động cụ thể nhằm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, và cứu nạn, hộ được đang xảy ra nhiều tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp trên cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng.

Gần đây nhất, ngày 5/8 tại Bình Phước, một vụ cháy nổ rất nghiêm trọng xảy tại Công ty TNHH LC Buffalo (khu phố Bàu Ké, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) khiến 2 người tử vong và nhiều người khác bị thương.

Sau khi vụ việc xảy ra, bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ký văn bản chỉ đạo đối với sự việc trên.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu UBND huyện Đồng Phú phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công đoàn các khu công nghiệp khu vực Đồng Xoài – Đồng Phú khẩn trương thăm hỏi chu đáo, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn.

Công an tỉnh Bình Phước chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân vụ cháy nổ. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.

Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và an toàn PCCC tại nơi làm việc.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy, nổ đặc biệt nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích