Vĩnh Long đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

(Xây dựng) – Trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân đạt 12,1% – 12,6%. Để góp phần cụ thể hóa mục tiêu, tỉnh xác định một trong những giải pháp tập trung là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

Vĩnh Long đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ
Vĩnh Long đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh minh họa).

Nhiều điều kiện thuận lợi

Nằm ngay trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh (cách khoảng 100 km theo đường cao tốc) và TP. Cần Thơ (cách khoảng 30 km), có cầu Mỹ Thuận 1 và cầu Mỹ Thuận 2 đi qua, giao thông thuận lợi cùng nguồn nhân lực dồi dào, trình độ chuyên môn cao, tỉnh Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều chính sách phát triển công nghiệp. Từ giữa năm 2017, tỉnh đã công bố quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như khai thác khoáng sản; chế biến thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may – da giày; cơ khí, sản xuất sản phẩm kim loại và điện tử… Đồng thời, tỉnh cũng tập trung thu hút đầu tư, phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có cơ hội và điều kiện phát triển để tạo nền tảng và gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao lợi thế cạnh tranh, từng bước đưa công nghiệp tỉnh phát triển theo hướng hiện đại.

Cùng với đó, tỉnh luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hạ tầng để thu hút nhà đầu tư. Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, thực hiện theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, đến nay, các khu công nghiệp tỉnh đã thu hút 23 lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của 22 tổ chức kinh tế, chi nhánh doanh nghiệp.

Cuối năm ngoái, việc Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam (FAVV) tổ chức khánh thành nhà máy 2 tại Khu Công nghiệp Bình Minh, chuyên sản xuất bộ dây điện dùng cho xe ô tô thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được khuyến khích đầu tư tại tỉnh, đã tạo thêm động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp cho biết, khi giai đoạn 2 đi vào hoạt động sẽ nâng quy mô sản xuất tăng lên gấp 2 lần so với hiện tại, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại dịch vụ.

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư

Mặc dù đã được quan tâm phát triển, song nhìn chung, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phát triển còn chậm, tính liên kết nội địa chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong tỉnh và khu vực lân cận.

Theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, trên cơ sở khai thác, phát huy những tiềm năng thế mạnh và định hướng phát triển ngành công nghiệp của địa phương, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực linh kiện phụ tùng; dệt may – da giày; công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến thực phẩm, nông sản, thủy sản.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 phát triển 4 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng cung ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh; 4 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ ngành dệt may – da giày.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, sẽ phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử để có thể từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh, phụ kiện cho thị trường trong nước, khu vực.

Ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến thực phẩm, chế biến nông sản, chế biến thủy sản sẽ phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, phụ gia, bao bì…

Nhằm đạt được mục tiêu trên, tỉnh khảo sát các cơ sở, doanh nghiệp, từ đó xác định nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nhân lực…

Cùng với đó, tỉnh ưu tiên mời gọi, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế tạo linh kiện, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông sản, công nghệ xanh, sạch, thân thiện môi trường, công nghiệp chế biến.

Để thu hút nhà đầu tư mới, đặc biệt là các doanh FDI, tỉnh sẽ tận dụng triệt để các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lao động và chi phí sản xuất, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo quỹ đất sạch để tiến hành đầu tư và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp, trong đó ưu tiên các nhà đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh xác nhận, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê tại các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động không còn nhiều. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban trong thời gian tới là tiếp tục tập trung phối hợp với các ngành và UBND thị xã Bình Minh, huyện Bình Tân, hỗ trợ, đôn đốc các doanh nghiệp hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp Đông Bình, Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long, tạo quỹ đất công nghiệp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thu hút các nhà đầu tư lớn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích