Kỳ 2: Dấu tích lịch sử và những điều trăn trở
(Xây dựng) – Tam Đảo còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm về cuộc đời chiến sĩ Hoàng Cầm (1916 – 1996). Ông là người con của đất Trực Ninh, Nam Định. Tuổi 20, vì nghèo đói, ông đã lên Tam Đảo tìm kế sinh nhai.
Một góc thị trấn Tam Đảo ngày nay (Ảnh: Lưu Ký). |
Đất nước bước vào cuộc kháng chiến cứu quốc, Hoàng Cầm trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, là chiến sĩ nuôi quân. Nơi chiến trường bom đạn bời bời, để phòng tránh các thiết bị tối tân của địch cài đặt khắp nơi hòng dò tìm dấu vết bộ đội ta, nhất là các dấu vết về khói lửa để tiêu diệt, Hoàng Cầm đã sáng chế một loại bếp nấu độc đáo. Khi đốt lửa, khói sẽ được dẫn theo những hang dài cả vài chục mét để tiêu khói, vừa giúp chiến sĩ ta đảm bảo yếu tố bí mật bất ngờ “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, vừa trực tiếp góp phần nuôi quân được ăn cơm nóng canh sốt (điều bình thường nhưng lại là đặc biệt trong chiến tranh).
Với cái bếp độc đáo ấy, ông đã đưa vào cuộc kháng chiến chống những kẻ thù mạnh nhất thế giới một vật dụng giản dị, đời thường nhất của dân tộc Việt Nam: Cái bếp nấu ăn.
Và cái bếp bình dị ấy đã đi vào thơ vào nhạc: “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời” (Phạm Tiến Duật), “Hơi bếp Hoàng Cầm ta sưởi ấm khắp nơi nơi” (Huy Du) bởi đã chiến thắng những phương tiện chiến tranh siêu vi của thực dân, đế quốc.
Trở về sau những năm tháng chiến trường bom đạn, Hoàng Cầm được Nhà nước cấp cho một căn hộ nhỏ ở Thủ đô Hà Nội. Nhưng ông đã trở lại Tam Đảo, sống trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở thôn 1, thị trấn Tam Đảo. Theo nguyện vọng của Hoàng Cầm, khi ông qua đời, gia đình đã đưa ông về Tam Đảo. Mộ ông nằm lặng lẽ dưới tán thông bên sườn núi, cách nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Tam Đảo không xa.
Nhà thờ đá trên thị trấn Tam Đảo (Ảnh: Lưu Ký). |
Sau mười mấy km đường đèo dốc, qua những rừng thông vi vút, qua những vạt rừng thấp vấn vít nhiều loài hoa lá; qua Cổng Trời, Quán Gió…thị trấn Tam Đảo trên độ cao gần ngàn mét hiện ra trước mắt du khách với không gian thật bình yên.
Xen lẫn nhà cửa, khách sạn, quán hàng, những nhà vườn khiêm nhường – nơi sinh sống của cư dân thị trấn là những vạt su su xanh tốt. Loài rau này đã trở thành đặc sản Tam Đảo. Ngọn rau non đem xào tỏi, hay luộc chấm xì dầu đều ngon tuyệt.
Ngọn su su ở Tam Đảo ăn giòn, ngọt khác hẳn ngọn su su trồng dưới đồng bằng! Đó là nhận xét của hầu hết những ai từng từng thưởng thức ngọn su su Tam Đảo mà tôi được gặp và hỏi chuyện.
Còn tôi, không chỉ thích thú khi được thưởng thức hương vị ngọn su su trên bàn ăn, tôi còn rất thích được đắm mình thảnh thơi trong mây trong nắng Tam Đảo, ngắm mãi những giàn su su đang đua nhau vươn ngọn vào trời xanh.
Ở Tam Đảo một ngày là được sống trong đủ thời tiết bốn mùa của một năm. Đó cũng là “kết luận” của tất cả những ai từng lên Tam Đảo. Đó cũng là “đặc thù”, một biệt ân của thiên nhiên dành tặng con người thông qua non ngàn Tam Đảo.
Này nhé, sáng mơn man hương xuân, trưa nồng nàn sắc hạ, ngả chiều se se tiết thu; và đêm về, không gian se sẽ lạnh, một sự se sẽ ngòn ngọt đủ để con người muốn khoác thêm tấm áo mỏng và muốn xích lại, xích lại gần nhau hơn.
Khí hậu ấy, thổ nhưỡng ấy, để Tam Đảo là địa điểm lý tưởng cho những loài kỳ hoa dị thảo đua hương sắc. Bạn không thể không ngất ngây khi bắt gặp bên ven đường Tam Đảo những vạt hoa rực rỡ như vạt mật trời buông tặng. Kế đó lại biêng biếc tím hoa bìm, lại xôn xao những cánh huệ tây, địa lan, lay-ơn, tầm xuân… với rất nhiều màu sắc. Bung nở rực rỡ rồi biến ảo sắc màu đầy bí ẩn theo buổi trong ngày là những bông cẩm tú cầu cùng vô số loài kỳ hoa, dị thảo.
Ấy là chưa nhắc đến những vạt rừng đỗ quyên ẩn mình nơi rừng sâu, những loài phong lan hiếm lạ ngạo với gió sương mà trổ bày vẻ diễm lệ nơi lưng trời, những thảm hoa bướm mong manh cánh trắng cành vàng đẹp đến nao lòng…
Tam Đảo có thác Bạc, vẻ đẹp của thác khiến du khách truyền tai nhau lời dặn: Đi Tam Đảo mà chưa đến thác Bạc, là chưa tới Tam Đảo!
Đường xuống thác đi qua ngôi biệt thự vẫn được người dân nơi đây gọi một cách thân mật là “Biệt thự ông Đồng” (Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Sinh thời, Bác Hồ, bác Phạm Văn Đồng và nhiều cán bộ cao cấp của chính phủ từng đến đây nghỉ dưỡng và làm việc. Trải năm tháng, người hiền đã đi xa, ngôi biệt thự lặng lẽ ẩn vào mây ngàn gió núi…
Nhưng, chuyện về ngôi biệt thự – một di tích lịch sử cách mạng – xin dành nói sau, bởi tiếng thác tuôn đang như mời gọi. Theo lối mòn đã được kè đá chắc chắn mà lần bước. Tự xa xa tai ta đã nghe vọng tiếng ù ù, ào ào. Là thác đang kể chuyện rừng chuyện núi đấy! Xuống sâu thêm, ta sẽ nhận được những luồng hơi nước mát lạnh lan lan dội ngược, làm dịu mát mọi nồng nực, tiêu tan nhọc mệt đường núi.
Và kìa, ngước mắt nhìn lên, ta được chiêm ngưỡng một dải lụa bạch bằng nước từ lưng trời miên man buông xuống, lấp lánh hào quang dưới ánh mặt trời. Ào ạt là tiếng thác đổ. Vỡ òa lanh lảnh tiếng cười thanh nữ. Xạt xào tiếng đại ngàn thở trong vòm cây… Chao! Sảng khoái làm sao!
Hệ thống hầm trú ẩn nằm trên dãy núi Tam Đảo trong những năm kháng chiến chống Mỹ là một nơi trú ẩn an toàn bí mật, đã che trở, bao bọc cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước (Ảnh: Thanh Vĩnh). |
Tam Đảo, nơi có tháp truyền hình với chiều cao gần 100m, nặng khoảng 200 tấn do các nước bạn trong khối xã hội chủ nghĩa (Ba Lan, Liên Xô) giúp đỡ ta xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XX. Đó là một công trình đặc biệt được tạo nên bởi trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, tâm huyết, công sức của tập thể cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam bấy giờ.
Từ đỉnh núi Máng Chì (Tam Đảo) có độ cao gần 1.200m so với mặt biển, tháp truyền hình Tam Đảo sừng sững vươn lên, giúp nối gần thêm núi với bầu trời. Nơi tháp đứng chân núi rừng lúc nào cũng ràn rạt gió và hầu như quanh năm ẩm lạnh, mù sương.
Nghe kể, vì áp suất không khí ở đây thấp, nên trứng gà mà đem luộc ở đây sẽ chẳng thể nào chín được! Ai muốn chinh phục đỉnh cao này, phải chuẩn bị cho mình sức khỏe cùng sự dẻo dai. Thế nhưng, đã đến Tam Đảo mà không leo tới chân tháp truyền hình, cũng coi như mất đi một cơ hội thử thách bản thân, chinh phục tầm cao, cũng như, không được chiêm ngưỡng cảnh sắc huyền diệu của Tam Đảo ở một góc nhìn khác.
Thị trấn Tam Đảo ngày nay được chia thành các khu dân cư. Ở những nơi dân cư sinh sống, rừng đã biến mất. Thay thế là homestay, khách sạn, nhà hàng… Người ta chặt cây, bỏ rừng để trồng su su, làm nhà, dựng quán xá kinh doanh, xây khách sạn, nhà nghỉ…
Còn nhớ, bởi Tam Đảo tuyệt đẹp và có một khí hậu lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng nên được người Pháp sớm phát hiện và dành tiền của, công sức rất lớn để xây dựng cùng thời điểm với xây dựng các khu nghỉ mát ở Đà Lạt, Sa Pa. Tuy nhiên, hàng trăm kiến trúc mang đậm phong cách Âu châu, góp làm nên “Hòn ngọc Đông Dương”, nhãn hiệu mà người ta dành cho Tam Đảo của những năm 1936 – 1943 nay đã không còn.
Được biết, tại thị trấn còn có cơ sở tập luyện cho một số đội tuyển thể thao thành tích cao quốc gia, nhưng cũng thưa thớt, buồn vắng kiểu “mùa vụ”. Hiện tại, kiến trúc thị trấn Tam Đảo chưa có được một quy hoạch ưu việt, nên lộn xộn kiểu dáng, pha tạp sắc màu, nhấp nhô cao thấp. Đó là điểm trừ đáng tiếc cho phố núi trong mây này.
Thêm một điểm trừ nữa, đó là, dù phố núi tọa lạc nơi lưng núi, giữa đại ngàn, vậy mà rất thưa thớt, thiếu vắng cây xanh! Đến nỗi, có du khách thốt lên: Tam Đảo chả có gì ngoài… bê tông.
May sao, nắng ở Tam Đảo dù gắt gao nhất vẫn không làm cho con người bị bức bối, ngột ngạt. Có được điều đó là nhờ đặc ân của núi rừng Tam Đảo, của mẹ thiên nhiên ban tặng. Thế nhưng, không còn cây, thì làm gì có rừng. Mà không còn rừng thì làm sao có đại ngàn Tam Đảo. Không có vưu vật trời ban là Tam Đảo, chúng ta sẽ còn lại gì, sẽ sống ra sao?
Tam Đảo, nói đến đây đã khá dài, nhưng người viết vẫn muốn nói thêm về cái “lõi” của vấn đề mà những người yêu quê hương, yêu Tam Đảo trăn trở. Đó là Tam Đảo đẹp mà chưa giàu, Tam Đảo nhiều nhà hàng, khách sạn mà du lịch Tam Đảo vẫn chưa xứng với tiềm năng. Tam Đảo được mệnh danh là vùng sinh thái lý tưởng, là lá phổi xanh, là nguồn cung cấp nước cho Vĩnh Phúc và các vùng lân cận… nhưng hàng loạt hồ, đầm quanh Tam Đảo đang dần vơi cạn.
Và rừng Tam Đảo vẫn bị đào khoét; cây Tam Đảo vẫn bị chặt phá; suối trên Tam Đảo đang khô kiệt dần; rác thải xuất hiện, ngày càng nhiều, gây ô nhiễm…
Việc quy hoạch Tam Đảo tồn tại những bất cập, bởi nếu khoa học và tôn trọng thiên nhiên, biết vì tương lai lâu dài thì người ta không được chặt cây, không được phá núi để xây nhà, không được “bê tông hóa” Tam Đảo…
Tam Đảo là bao nhiêu điều kỳ thú, đẹp đẽ, nhưng cũng còn không ít điều bất cập, không đẹp, chưa hay. Buồn thay, hầu hết những điều đang làm Tam Đảo bị xấu đi, mai một đi…lại là do con người gây ra. Đó cũng chính là điều trăn trở của không ít du khách khi đến đây!
Nhưng, tạm gác lại những băn khoăn này, để điểm nhanh những niềm vui mới nhất của Tam Đảo. Đó là, tháng 01/2022, thị trấn Tam Đảo đã được Nhà nước ta công nhận là khu du lịch cấp quốc gia.
Tiếp đó, tháng 11/2022, thị trấn Tam Đảo được Tổ chức World Travel Awards (Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới) vinh danh là “thị trấn du lịch hàng đầu thế giới”.
Thêm một thông tin rất thú vị, là từ trước đó, năm 2003, thương hiệu “nước hoa TAM DAO” – một sản phẩm nổi tiếng của Yves Coueslant (1926 – 2013) đã góp phần đưa Tam Đảo đến gần hơn với thế giới.
Cùng đó, nhiều chương trình hành động ý nghĩa khác của tỉnh Vĩnh Phúc, của ngành Du lịch Vĩnh Phúc nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm đẩy mạnh một bước phát triển du lịch Vĩnh Phúc sẽ góp phần đưa Tam Đảo, đưa Vĩnh Phúc phát triển xứng tầm cao mới!
Tam Đảo! Tam Đảo… Tôi luôn mơ một giấc mơ đẹp, tôi mong mỏi ngày mai kỳ diệu hơn – kỳ diệu như chính Tam Đảo đại ngàn – “Hòn ngọc xanh” của Vĩnh Phúc sẽ thành hiện thực.
Nguồn: Báo xây dựng