Việt Nam sắp chiêm ngưỡng mưa sao băng Anh Tiên rực sáng bầu trời đêm
Việt Nam sắp chiêm ngưỡng mưa sao băng Anh Tiên rực sáng bầu trời đêm
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), mưa sao băng Perseids (mưa sao băng Anh Tiên) diễn ra hàng năm từ ngày 17/7-24/8, đạt cực đại vào đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13/8 với tần suất có thể lên 60-80 vệt sao băng/giờ.
Mưa sao băng Perseids (sao Anh Tiên) là trận mưa sao băng lớn nhất năm được tạo ra bởi sao chổi Swift-Tuttle. Trận mưa sao băng này nổi tiếng với những dải băng dài đẹp cùng số lượng lớn.
Năm nay, thời điểm diễn ra mưa sao băng Perseids trùng với thời kỳ trăng bán nguyệt, vì vậy việc quan sát có thể bị ảnh hưởng vào đầu giờ tối. Tuy nhiên, từ sau nửa đêm, Mặt Trăng lặn, điều kiện quan sát thuận lợi hơn. Thời điểm quan sát lý tưởng nhất là sau 12 giờ đêm 12/8.
Cùng với mưa sao băng Geminids diễn ra vào tháng 12 hàng năm, mưa sao băng Perseids là trận mưa sao băng lớn nhất năm được tạo ra bởi sao chổi Swift-Tuttle, phát hiện vào năm 1862, trận mưa sao băng này nổi tiếng với những dải băng dài đẹp cùng số lượng lớn.
“Một thiên thạch Perseid thông thường di chuyển với tốc độ khoảng 200.000 km/h khi đi vào khí quyển Trái Đất (được gọi là sao băng). Hầu hết, các sao băng Perseid đều nhỏ nên không để lại tàn tích trên mặt đất, nếu có thì chúng được gọi là “vẫn thạch”. Các sao băng Perseids là vật thể nóng bỏng, lên đến hơn 1.650 độ C khi đi vào khí quyển Trái Đất, đồng thời nén và làm nóng không khí phía trước. Hầu hết các sao băng sẽ được nhìn thấy khi chúng cách mặt đất khoảng 97km”, HAS cho hay.
Ông Nguyễn Đức Phường, thành viên Hội Thiên văn – Vũ trụ Việt Nam cho biết đây được xem là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm. Thời điểm quan sát tốt nhất ở Việt Nam vào khoảng 2 giờ sáng ngày 12 và 13/8 ở phía chòm sao Anh Tiên (hướng Đông Bắc). Sau nửa đêm, chòm sao Anh Tiên sẽ cao dần dần theo thời gian từ chân trời đông bắc. Người quan sát có thể nằm ngửa quay mặt về phía đông bắc, quan sát bao quát từ chân trời lên đến đỉnh đầu.
Mưa sao băng xuất hiện khi Trái đất đi xuyên qua đám mây bụi, thường là tàn dư đuôi của những sao chổi. Ngoài ra, trong vũ trụ có rất nhiều bụi (thiên thạch). Khi những thiên thạch này lao vào bầu khí quyển Trái đất, sẽ ma sát mạnh vào các phân tử khí quyển với vận tốc rất lớn (khoảng 30-50km/s) nên bị bốc cháy tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60 -100 km (tính từ mặt đất lên). Người ta gọi những vệt sáng nhỏ ấy là sao băng.
Nguồn gốc của trận mưa sao băng Perseids là do Trái Đất chuyển động xuyên qua đám mây Perseids kéo dài dọc theo quỹ đạo sao chổi 109 P/ Swift-Tuttle, sao chổi này có chu kỳ từ 120-130 năm.
Người quan sát nên chọn nơi ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Perseus, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời. Lưu ý, theo dõi thời tiết khu vực nếu có ý định quan sát mưa sao băng. Nên chọn nơi ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Perseus, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.
An Khải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị