Tận dụng văn hóa bản địa và xu hướng xanh
Gần đây, nhiều công trình kiến trúc của Việt Nam được xướng tên trong các giải thưởng kiến trúc quốc tế. Điển hình như tại Giải thưởng Kiến trúc châu Á 2024 – Asia Architecture Design Awards (AADA) vừa diễn ra ở Thái Lan với sự góp mặt của đại diện từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 55 tác phẩm chiến thắng, trong đó Việt Nam đoạt 8 giải ở 7/20 hạng mục.
Có thể kể đến là công trình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam đoạt giải Thiết kế kiến trúc tòa nhà thương mại tốt nhất châu Á; Dahwa Resort Quy Nhơn giành giải Thiết kế cảnh quan tốt nhất châu Á; Nam Mê Kitchen & Bar thắng giải Thiết kế nội thất F&B tốt nhất châu Á; Border House đoạt giải Thiết kế kiến trúc nhà ở tốt nhất châu Á… Trước đó, công trình Quảng trường Tháp Nghinh Phong giành 2 giải thưởng quốc tế là Công trình du lịch thành phố hàng đầu thế giới và giải Cảnh quan đô thị châu Á; Bảo tàng Đạo Mẫu nhận Giải thưởng Kiến trúc quốc tế Moira Gemmill; công trình Viện Toán cao cấp nhận giải thưởng AMP Architecture MasterPrize và giải International Architecture Awards 2022…
Theo đánh giá của giới kiến trúc quốc tế, các công trình kiến trúc của tác giả Việt Nam rất được ưa chuộng bởi mang đậm văn hóa bản địa và xu hướng xanh. Các kiến trúc sư Việt Nam biết tận dụng những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống vào công trình, tôn trọng tự nhiên, đồng thời áp dụng được những công nghệ tiên tiến để giải quyết khéo léo nhiều vấn đề trong công trình kiến trúc. Đây cũng là xu hướng kiến trúc của thế giới mà các kiến trúc sư Việt Nam nên tiếp tục theo đuổi.
Không chỉ nghệ thuật kiến trúc, các loại hình nghệ thuật khác khi biết khai thác những chất liệu, yếu tố văn hóa truyền thống, bản địa và xu hướng xanh trong sáng tạo tác phẩm cũng sẽ được đánh giá cao, thành công trong nước và khả năng vươn tầm quốc tế.
Nguồn: Báo xây dựng