Quy trình cấp chứng nhận GMP về thực hành sản xuất tốt

Tiêu chuẩn GMP giúp kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa.

GMP giúp kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành chất lượng sản phẩm từ khâu thiết kế, xây lắp nhà xưởng, dụng cụ chế biến, thiết bị; điều kiện phục vụ, chuẩn bị chế biến đến quá trình chế biến; bao gói, bảo quản và con người điều khiển các hoạt động trong suốt quá trình gia công, chế biến. 

Nói cách khác, GMP là tiêu chuẩn thực hành sản xuất với mục đích kiểm soát các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành chất lượng của sản phẩm, nhằm đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng tốt nhất.

Quy trình chứng nhận GMP gồm 7 bước. Bước 1 là Tiếp nhận hồ sơ đăng ký – Doanh nghiệp nộp hồ sơ đến tổ chức chứng nhận để đăng ký chứng nhận GMP;

Bước 2 là Thẩm định hồ sơ – Đối với hồ sơ đăng ký kiểm tra lần đầu: chuyên gia phải đánh giá sự phù hợp về quy mô và tính hợp lý của việc triển khai tại cơ sở với các dây chuyền cơ sở đăng ký kiểm tra (cấp sạch nhà xưởng; công suất thiết bị, hệ thống; chiều di chuyển của nhân viên, nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm; phân công và trình độ của nhân sự chủ chốt;…) và các điểm cần lưu ý trong quá trình kiểm tra (các nội dung chưa phù hợp hoặc nghi ngờ…)

Đối với hồ sơ đăng ký tái kiểm tra: chuyên gia phải xem xét đánh giá kết quả kiểm tra lần trước về mức độ đáp ứng yêu cầu GMP, các thay đổi so với lần kiểm tra trước (các ảnh hưởng của việc thay đổi đến điều kiện môi trường, thiết bị, quy trình,…), báo cáo khắc phục các tồn tại của lần kiểm tra trước (việc thực hiện các tồn tại theo kế hoạch xây dựng được báo cáo gần nhất), các chú ý liên quan đến vi phạm quy định hiện hành về Dược của cơ sở (nếu có): vi phạm về chất lượng thuốc, sản xuất thuốc,…

Bước 3 là Lập kế hoạch – Tổ chức chứng nhận lên kế hoạch làm việc với đơn vị đăng ký;

Bước 4 là Kiểm tra thực tế – Đoàn kiểm tra thực hiện việc kiểm tra trực tiếp tại các khu vực sản xuất, kiểm nghiệm, kho bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, bao bì, các hệ thống phụ trợ,…; Kiểm tra rà soát hồ sơ lưu trữ về các hoạt động của cơ sở sản xuất.

Bước 5 là Báo cáo khắc phục – Sau buổi kiểm tra, doanh nghiệp sẽ phải khắc phục các lỗi mà chuyên gia ghi nhận, tùy vào từng lỗi mà thời gian khắc phục các đơn vị là khác nhau.

Bước 6 là Đánh giá báo cáo khắc phục Sau khi doanh nghiệp đã khắc phục lỗi, tổ chức chứng nhận sẽ đánh giá lại xem đạt hay không.

Bước cuối cùng là Cấp chứng nhận – Sau khi báo cáo khắc phục đã được phê duyệt; hồ sơ hoàn thiện thì doanh nghiệp sẽ được cấp chứng nhận GMP.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích