Yếu tố để các doanh nghiệp công nghệ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Đây là cơ hội lớn dành cho hơn 45.000 doanh nghiệp đang hoạt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong nước, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cần lời giải cho bài toán phát triển sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp này.

Theo bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN tiềm năng của các doanh nghiệp công nghệ trong nước là rất lớn và các yếu tố như nguồn nhân lực năng động, tính sáng tạo cao, cạnh tranh về giá là những thế mạnh cũng như tiền đề để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể liên kết, hợp tác thành công.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn, theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các cơ chế chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh như công nghệ số, bán dẫn …; đồng thời, cần ưu tiên nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai về kinh tế số, kinh tế sáng tạo, chất bán dẫn, chip, năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo.

 Để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn thì nỗ lực của chính bản thân cộng đồng doanh nghiệp vẫn là yếu tố mang tính chất quyết định.

Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, thúc đẩy hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia với trọng tâm là mở cửa kinh tế, tạo điều kiện kết hợp hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, mở rộng không gian phát triển. Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế là đòi hỏi khách quan, đồng thời cũng là nhu cầu nội tại trong tiến trình phát triển kinh tế của các quốc gia.

Trong quá trình vận hành của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, là phương thức không thể thiếu, được ví như tuyến “huyết mạch” của kinh tế thế giới.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, gây xáo trộn kinh tế, xã hội của các quốc gia. Nguyên nhân dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm các yếu tố đan xen phức tạp như: hiện tượng thời tiết cực đoan; thiên tai; đại dịch; thiếu hụt nguồn cung và nhân lực; nút thắt logistics và hiệu quả hoạt động cảng thấp; chiến tranh thương mại; xung đột địa chính trị…

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Vì vậy, chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Những gián đoạn và thay đổi chuỗi cung toàn cầu đều tác động, gây hệ luỵ không nhỏ đến quá trình phát triển đất nước.

 Phương Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích