Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh: Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong sử dụng tài sản công

(Xây dựng) – Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Thường trực HĐND và Thường trực UBND Thành phố về đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc lập Đề án sử dụng tài sản công vào việc cho thuê, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh: Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong sử dụng tài sản công
Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc có 128 đơn vị. Trong đó, số đơn vị đang sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên kết là 117 đơn vị.

Các đơn vị đã lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên kết tập trung ở 3 nhóm đề xuất: Sử dụng cơ sở vật chất làm căn tin, bãi giữ xe; sử dụng cơ sở vật chất làm nhà thi đấu, sân thể dục thể thao và sử dụng cơ sở vật chất để liên kết đào tạo.

Từ năm 2019 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Tài chính thẩm định 82 Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên kết của các trường trực thuộc.

Kết quả, các đề án đều chưa đạt theo yêu cầu, cần chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ pháp lý, bản vẽ; xác định lại giá cho thuê, phương án tài chính, phương pháp cách tính doanh thu, phân bổ doanh thu, cơ sở và cách tính tiền thuê đất; cho thuê mặt bằng đất trống rồi để người thuê tự đầu tư xây dựng khai thác là chưa phù hợp; chưa đề xuất số lần đấu giá trong thời gian thực hiện đề án; chưa thể hiện chi tiết hạng mục, quy mô, giá trị đầu tư, phương án xử lý, vật kiến trúc do đơn vị thuê đầu tư…

Đối với khối quận, huyện và thành phố Thủ Đức, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc là 1.296 đơn vị. Trong đó, phần lớn đơn vị đều sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê căn tin, bãi giữ xe phục vụ học sinh và giáo viên.

Trong quá trình thực hiện, trường học có đóng thuế đối với các hoạt động cho thuê căn tin, bãi giữ xe.

Bên cạnh đó, số đơn vị tự tổ chức vận hành các hoạt động phụ trợ là 746 đơn vị, chủ yếu là các trường mầm non tổ chức bếp ăn bán trú để phục vụ ăn uống hàng ngày của trẻ.

Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên kết nên nhiều địa phương đã ngừng các hoạt động theo hình thức này từ năm 2020 (quận Tân Phú), năm 2022 (quận Phú Nhuận) với tổng cộng 236 đơn vị.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức các dịch vụ như căn tin, bãi giữ xe là nhu cầu cấp thiết của học sinh, tuy nhiên, đến nay nhiều trường không còn duy trì căn tin, bãi giữ xe cho học sinh gây khó khăn cho nhà trường và xã hội.

Từ thực tế đó, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Sở Tài chính có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có cơ sở tổ chức thực hiện.

Trường hợp các đơn vị tổ chức căn tin, bãi giữ xe nhưng không đủ khả năng về nhân lực, nghiệp vụ và kinh nghiệm, có thể cho phép cơ sở giáo dục thuê đơn vị tổ chức vận hành theo quy định của pháp luật về đấu giá.

Ngoài ra, Sở Tài chính cần có văn bản hướng dẫn về phân cấp trong việc quản lý, sử dụng tài sản công đối với hoạt động cho thuê làm căn tin, bãi giữ xe, hoạt động thể dục thể thao…

Để kịp thời hỗ trợ các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất UBND Thành phố chấp thuận chủ trương cho các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục duy trì giữ xe, căn tin, hồ bơi, nhà thi đấu, sân thể thao, phòng học phục vụ nhu cầu học tập và rèn luyện của giáo viên, học sinh trong và ngoài giờ học từ năm học 2024-2025 nhằm tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện có, đồng thời, có kinh phí bảo dưỡng, duy tu thường xuyên cơ sở vật chất của trường.

Đặc biệt, UBND Thành phố nghiên cứu, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tham mưu chính sách miễn tiền thuê đất đối với việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên kết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích