Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả nuôi lươn không bùn theo TCVN 13528-1:2022

TCVN 13528-1:2022 về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào ngày 30 tháng 12 năm 2022, quy định các yêu cầu đối với thực hành nuôi trồng thủy sản tốt trong ao, bể, đầm, hầm, giúp kiểm soát các yếu tố đầu vào từ khâu chuẩn bị nuôi, thả giống đến khâu thu hoạch.

Mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP rất phù hợp cho nông dân ít vốn và đất sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu. Việc nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp giảm công thay nước, tiền điện và chi phí quản lý dịch bệnh, mà còn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng giá trị sản phẩm của con lươn.

Mô hình nuôi lươn không bùn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP tại Thanh Hóa. Ảnh: tapchinongthonmoi.vn

Ông Lê Văn Đông – Tổ trưởng Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn không bùn xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, với 10 bể có tổng diện tích khoảng 60 m², mỗi bể ông thả khoảng 1.000 con lươn giống. Ông đầu tư khoảng 60 triệu đồng để làm mái che, đường ống nước, xây bồn bê tông và lót bạt. Sau khoảng một tháng, lươn có trọng lượng lớn hơn sẽ được tách bể để đảm bảo mật độ sinh trưởng.

Theo ông Đông, việc nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi phải chăm sóc kỹ lưỡng. Nguồn giống phải sạch bệnh, mỗi ngày phải thay nước một lần để đảm bảo nước luôn sạch. Ông nhấn mạnh: “Nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ kỹ thuật, cách chăm sóc, thức ăn cho lươn, sử dụng các loại men vi sinh phòng bệnh và vitamin bổ sung dinh dưỡng. Đặc biệt, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình nuôi để phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng khi xuất bán.”

Bà Bùi Thị Loan – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Sơn cho biết, hiện Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap của xã Đông Phú có 5 hộ tham gia, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đông Sơn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ nuôi lươn truyền thống chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lươn giống và thương phẩm, giúp bà con tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào mô hình nuôi lươn không bùn không chỉ giúp nâng cao sản lượng và giá trị kinh tế cho người dân, mà còn góp phần phát triển kinh tế bền vững. Đây là tiền đề quan trọng để trang bị kiến thức cho hội viên nông dân, giúp họ chuyển đổi mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả cao hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến đánh giá, chứng nhận và in tem nhãn cho nông sản. Các hoạt động này bao gồm xây dựng và chứng nhận quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo TCVN 13528-1:2022, hỗ trợ tem nhãn cho các sản phẩm chế biến từ lươn, và nâng cao nhận thức cho nông dân về tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng.

Với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và sự nỗ lực của người dân, mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Thanh Hóa đang ngày càng phát triển, mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích