Nhiều lò đốt rác hoạt động chưa hiệu quả, vì sao?

Nhiều lò đốt rác hoạt động chưa hiệu quả, vì sao?

Từ năm 2020 đến nay, các huyện trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng được hàng chục lò đốt rác thải công nghệ cao, góp phần xử lý cơ bản lượng rác phát sinh trên địa bàn.

Song bên cạnh đó, vẫn có một số lò chưa phát huy hiệu quả, còn để người dân băn khoăn.

Lò đốt rác vừa lắp đặt xong đã… hỏng

Tháng 1/2024, lò đốt rác xã Quế Nham (Tân Yên) được lắp đặt, đưa vào hoạt động với công suất đốt 700 kg rác/giờ. Tuy nhiên, gần đây, người dân sở tại phát hiện một lượng rác lớn thu gom về không được đưa vào lò đốt mà đào hố chôn lấp. Việc làm này gây băn khoăn, bức xúc trong nhân dân.

Ông Ngô Mạnh Dũng, người dân thôn Đông Bến, xã Quế Nham cho hay: “Từ khi lò đốt rác đi vào hoạt động, chúng tôi rất phấn khởi, tham gia nộp phí vệ sinh môi trường hằng tháng. Thế nhưng những ngày cuối tháng 6 vừa qua, người dân thấy tổ vệ sinh môi trường của xã đưa cả trăm khối rác chưa xử lý trong nhà chứa ra ngoài chôn lấp…”.

tm-img-alt
Lò đốt rác xã Quế Nham (Tân Yên) đang trong thời gian bảo hành đã hỏng một số lần.

Trao đổi về sự việc, ông Nguyễn Viết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Nham thừa nhận có việc xã cho máy múc đào hố chôn lấp rác thải sinh hoạt. Lượng rác chôn lấp ước hơn 100 m3. Sở dĩ, địa phương phải xử lý rác theo hình thức này là do trước đó, lò đốt rác bị hỏng không hoạt động gần 1 tháng, làm tồn lưu lượng lớn rác. Sau khi sửa chữa, lò đã vận hành trở lại. Tuy nhiên, do số rác bị ẩm ướt, khó đốt, gây mùi khó chịu còn nhiều nên phải chôn lấp bớt để lấy chỗ đưa rác mới thu gom về xử lý…

Được biết, khu vực xử lý rác của xã Quế Nham rộng khoảng 3.000 m2, có tổng kinh phí xây dựng khoảng 15 tỷ đồng (riêng kinh phí xây dựng lò và nhà chứa rác khoảng 10 tỷ đồng). Trong đó, hạng mục nhà chứa rác và khu vực đặt lò rộng khoảng 1.000 m2, được xây dựng năm 2023, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 1/2024. Theo lãnh đạo UBND xã, thời gian bảo hành lò là 6 tháng, nhưng đang trong thời gian bảo hành, lò đã bị hỏng hóc 2 lần. Lần 1 là hỏng thiết bị trong lò; lần 2 là gẫy trục băng tải rác.

Tương tự, tại huyện Lạng Giang, trong khoảng 3 năm trở lại đây đã xây dựng được hơn 10 lò đốt rác; trong đó riêng khu xử lý rác của thị trấn Vôi có lượng rác tồn lưu và thu gom xử lý hằng ngày lớn nên được đầu tư xây dựng 2 lò (tổng kinh phí lắp đặt mỗi lò khoảng 4 tỷ đồng). Thế nhưng hiện chỉ có một lò xây dựng năm 2023 hoạt động hiệu quả; lò xây dựng trước đó nhiều tháng nay bỏ “đắp chiếu”, một số bộ phận đã hư hỏng, trong khi lượng rác tồn lưu tại bãi còn gần 10 nghìn tấn. Theo cán bộ chuyên môn thị trấn Vôi, lò rác lắp đặt trước có công nghệ lạc hậu, hiệu quả xử lý thấp, nhưng lượng điện tiêu thụ để vận hành rất lớn (nếu như lò mới tiêu thụ khoảng 1 triệu đồng tiền điện/tháng thì lò cũ tốn gần 10 triệu đồng).

Tại huyện Sơn Động, lò rác thị trấn An Châu cũng được xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 4/2022. Tuy nhiên đến nay, lò này chưa phát huy được hiệu quả xử lý rác, sử dụng cầm chừng. Mục sở thị khu xử lý này một số lần nhưng chưa lần nào thấy lò rác hoạt động. Trong khi đó, lượng rác được thu gom từ thị trấn An Châu và một số xã lân cận đưa về đây chủ yếu vẫn được xử lý theo hình thức thủ công như chôn lấp, đốt lộ thiên. Người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh về tình trạng khu xử lý rác của thị trấn An Châu đốt rác gây khói và mùi khó chịu làm ô nhiễm không khí xung quanh.

Theo ông Giáp Văn Kiên, Phó Chủ tịch phụ trách UBND thị trấn An Châu, nguyên nhân lò đốt rác sau xây dựng chưa phát huy hiệu quả là do địa phương chưa ban hành được đề án, giá thu gom, xử lý rác; chưa lựa chọn được nhà thầu quản lý, vận hành theo quy định…

Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm

Được biết, nhằm giảm thiểu tác hại của rác thải đối với môi trường, ngày 9/7/2020, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND quy định hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng các lò đốt rác và hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Nghị quyết 06). Theo đó quy định hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng các lò đốt rác cho UBND cấp huyện (không bao gồm TP Bắc Giang). Mức hỗ trợ bằng 70% giá trị lò đốt tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế; bằng 50% giá trị lò đốt tại các huyện: Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam, Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên). Phần kinh phí còn lại do UBND cấp huyện cân đối bố trí.

Theo đó, giai đoạn 2020- 2023, các huyện trên địa bàn đã đăng ký và triển khai xây dựng, lắp đặt được 28 lò đốt rác công nghệ theo Nghị quyết 06 đưa vào hoạt động (chưa tính số lò do các huyện tự đầu tư theo nhu cầu thực tế). Đa số các lò trên được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí theo mức Nghị quyết 06 quy định, trừ một số lò xây dựng chậm, không bảo đảm tiến độ. Các lò mới xây dựng phần đa đều phát huy hiệu quả, xử lý cơ bản lượng rác phát sinh tại địa phương. Song vẫn còn một số lò (như đã nêu ở trên) khi đưa vào sử dụng không đạt hiệu quả như mong muốn.

Được biết, kinh phí đầu tư xây dựng lò rác công nghệ theo Nghị quyết 06 là rất lớn; lò thấp cũng khoảng 3 tỷ đồng, cao 6-7 tỷ đồng (chưa tính kinh phí xây dựng hệ thống công trình phụ trợ khác). Việc các lò đốt rác có giá trị nhiều tỷ đồng vừa xây dựng xong đã hỏng, công nghệ lạc hậu, lỗi thời hoặc chưa thể đưa vào hoạt động vì các lý do khác nhau… gây không ít băn khoăn, thắc mắc trong nhân dân. Toàn tỉnh hiện còn bao nhiêu lò rác được đầu tư xây dựng mới nhưng hoạt động chưa hiệu quả cần được cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tiếp tục kiểm tra, làm rõ; nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số lò dù mới được đầu tư xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả; trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành lò của tổ chức, cá nhân có liên quan để có hướng xử lý theo quy định.

Qua đó, không để tái diễn tình trạng công trình đầu tư tiền tỷ nhưng đưa vào sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, giảm niềm tin trong nhân dân.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích