Đề nghị bổ sung công việc tiếp xúc với SARS-CoV-2 vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, các bộ, ngành một số kiến nghị nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội của người lao động (NLĐ).

Đề nghị bổ sung công việc tiếp xúc với SARS-CoV-2 vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các bộ, ngành một số kiến nghị nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội của NLĐ.

Cụ thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về việc ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ để đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho NLĐ, nhất là khi các quy định về gói hỗ trợ của Nhà nước cho NLĐ đều gắn liền với các điều kiện doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho NLĐ.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét bổ sung nghề, công việc có tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nghiên cứu, xem xét giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ bị lây nhiễm, dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại nơi làm việc để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội cho NLĐ.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay, NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định của pháp luật từ 14 ngày làm việc trở lên chưa có văn bản quy định rõ sẽ tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hay theo doanh nghiệp? Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho NLĐ.

Đồng thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể: Điều 46 Luật Việc làm quy định: “Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thành lập” để được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc đi lại của người dân bị hạn chế nên NLĐ không kịp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, do đó họ chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khi đời sống đang vô cùng khó khăn, rất cần khoản hỗ trợ này để trang trải cuộc sống khi chưa tìm được việc làm mới.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cũng kiến nghị một số chính sách về nhà ở cho công nhân lao động; triển khai thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non và một số kiến nghị khác như: Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt trong thời gian tới; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá, xác định và sớm công bố “mức sống tối thiểu” của NLĐ và gia đình họ, tạo cơ sở cho các bên tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng hàng năm…

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: Kể từ ngày 14/7/2021, trong vòng 3 tháng, số ca mắc Covid-19 tăng 22,5 lần, tử vong tăng 53 lần ở 62/63 tỉnh thành phố, cộng thêm khối lượng công việc phải hoàn thành tiêm chủng được 60 triệu mũi vắc xin và hàng chục triệu lượt xét nghiệm, lực lượng lao động ngành Y tế phải gánh vác một khối lượng công việc lớn, mỗi người đã làm việc gấp ít nhất 5 lần công việc hàng ngày vốn đã rất áp lực.

Ngoài khó khăn và nỗ lực vì phải đảm đương khối lượng công việc gấp 3-5 lần, cán bộ y tế phải đối mặt với nguy cơ cao bị lây nhiễm (có khoảng 3.200 cán bộ y tế bị lây nhiễm, 6 cán bộ tử vong trong khi đang làm nhiệm vụ); các khó khăn của 20.000 cán bô y tế đi tăng cường là ăn uống sinh hoạt, điều kiện làm việc, phương tiện bảo hộ và trang thiết bị y tế…

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích