QCVN 79:2024 về xây dựng lưới điểm tựa trọng lực, đo đạc trọng lực chi tiết phần đo mặt đất
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định về xây dựng lưới điểm tựa trọng lực, đo đạc trọng lực chi tiết phần đo mặt đất bằng phương tiện đo trọng lực tương đối phục vụ xây dựng mô hình Geoid (mô hình geoid là mô hình mặt trọng trường Trái Đất, trên đó thế trọng trường ở mọi điểm có giá trị bằng nhau) hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia Việt Nam và các công tác đo đạc và bản đồ cơ bản.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng lưới điểm tựa trọng lực và đo đạc trọng lực chi tiết phần đo mặt đất.
Yêu cầu về kỹ thuật, quy chuẩn quy định lưới điểm tựa trọng lực được bố trí theo đồ hình là các đa giác khép kín hoặc theo tuyến độ cao quốc gia, đảm bảo khoảng cách giữa hai điểm tựa trọng lực liền kề trong khoảng từ 8 km đến 25 km. Sai số trung phương xác định giá trị gia tốc trọng trường của điểm tựa trọng lực sau bình sai ≤ ±0,20 mGal (giá trị gia tốc trọng trường).
Các điểm tựa trọng lực phải được xây dựng ở các vị trí dễa nhận biết, thuận lợi cho công tác đo trọng lực và đo tọa độ, độ cao. Vị trí xây dựng mốc điểm tựa trọng lực phải chọn nơi có nền đất vững chắc ổn định, có khả năng bảo quản trong quá trình thực hiện; tránh nơi dễ ngập nước, dễ bị sạt lở, gò và đống không ổn định, đê, bờ sông bồi lở, nền đất mượn (mới tôn nền); cách xa từ 50 m trở lên đối với các nguồn chấn động lớn như cạnh đường xe lửa, công trường xây dựng, nhà máy; đường dây cao thế, trạm điện cao thế (nơi có từ trường mạnh).
Đo đạc trọng lực chi tiết phục vụ công tác đo đạc và bản đồ – phần đo mặt đất phải tuân theo quy chuẩn quốc gia. Ảnh minh họa
Xây dựng mốc điểm tựa trọng lực phải được làm bằng bê tông mác M25 trở lên (được quy định tại TCVN 6025:1995). Mặt mốc có độ cao ngang mặt đất và có gắn dấu mốc bằng gang ở giữa. Số hiệu của điểm tựa trọng lực được ký hiệu TTL – ký hiệu tên khu đo – số thứ tự điểm, trong đó tên khu đo được quy định cụ thể trong thiết kế kỹ thuật của từng nhiệm vụ.
Ghi chú điểm tựa trọng lực phải thể hiện đầy đủ các thông tin gồm: Số hiệu điểm; trích phạm vi có điểm tựa trọng lực trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000; tên mảnh bản đồ; kinh, vĩ độ và độ cao khái lược của mốc; sơ đồ mốc; chất liệu mốc; loại đất; chủ đất; nơi đặt mốc; đường tới điểm; sơ đồ vị trí điểm vẽ phóng; phương hướng và khoảng cách đến các vật kiên cố (vật chuẩn); người chọn điểm; người chôn mốc; người vẽ ghi chú điểm; ngày chọn điểm; ngày chôn mốc; người kiểm tra; đơn vị thi công, ngày kiểm tra và các ghi chú khác.
Xác định tọa độ, độ cao điểm tựa trọng lực trong hệ tọa độ, độ cao quốc gia bằng phương pháp toàn đạc hoặc đo GNSS với độ chính xác ≤ 10,00 m (GNSS- Global Navigation Satellite System là hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu).
Độ cao điểm tựa trọng lực được xác định theo các phương pháp: đo thủy chuẩn, đo cao lượng giác, đo GNSS. Độ chính xác xác định độ cao của điểm ≤ 0,50 m. Phương tiện đo trọng lực tương đối sử dụng trong đo lưới điểm tựa trọng lực phải có độ chính xác ≤ 0,20 mGal. Phương tiện đo lưới điểm tựa trọng lực phải được kiểm tra trước khi thực hiện nhiệm vụ ở thực địa. Việc kiểm tra phải thực hiện trước mỗi đợt đo hoặc sau 6 tháng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ. Quy trình kiểm tra phương tiện đo trọng lực tương đối (được quy định tại Phụ lục N).
Đo giá trị gia tốc trọng trường của điểm tựa trọng lực được xác định theo phương pháp đo trọng lực tương đối. Đồ hình đo các điểm tựa trọng lực được xây dựng thành lưới khép kín hoặc khép giữa các mốc trọng lực quốc gia.
Đo đạc trọng lực chi tiết thì lưới điểm trọng lực chi tiết được phát triển dựa trên các điểm tựa trọng lực hoặc các điểm trong mạng lưới trọng lực quốc gia. Lưới điểm trọng lực chi tiết được thiết kế phân bố đều trong các khu đo. Mật độ điểm phải đảm bảo trung bình 8 km2 có 01 điểm trọng lực chi tiết. Tùy theo sự phức tạp của địa hình khoảng cách giữa hai điểm trọng lực chi tiết liền kề nhau không vượt quá 3 km. Đối với trường hợp đo đạc trọng lực chi tiết dọc theo tuyến độ cao quốc gia, quy định về khoảng cách cho phép giữa hai điểm trọng lực chi tiết kề nhau
Quy chuẩn cũng quy định trong quản lý, phương thức đánh giá sự phù hợp sử dụng Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình để đánh giá sự phù hợp. Nội dung và trình tự thực hiện các hoạt động chính trong Phương thức 1 thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT- BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Quy định về công bố hợp quy, sản phẩm của xây dựng lưới điểm tựa trọng lực, đo đạc trọng lực chi tiết phần đo mặt đất phải được công bố hợp quy theo quy định. Việc công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật. Kết quả thử nghiệm phục vụ chứng nhận hợp quy được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc đã đăng ký. Ưu tiên sử dụng các phòng thử nghiệm đã được đăng ký và công nhận.
An Dương