Tác động của 3 luật mới liên quan đến BĐS dưới góc nhìn chuyên gia
Tác động của 3 luật mới liên quan đến BĐS dưới góc nhìn chuyên gia
Chuyên gia cho rằng, việc cả 3 Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết các ‘nút thắt’ cho thị trường khi 70-80% các vướng mắc đang tồn tại là do pháp lý.
Chuyên gia cho rằng, việc cả 3 Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết các “nút thắt” cho thị trường khi 70-80% các vướng mắc đang tồn tại là do pháp lý.
Giải tỏa các “vướng mắc” pháp lý
Quốc hội đã cho phép 3 Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là 01/01/2025, một mặt có tác dụng tháo gỡ, giải quyết các “điểm nghẽn”, đồng thời tạo nền tảng cho thị trường BĐS phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững.
Chia sẻ quan điểm về tác động của các Luật liên quan tới BĐS chính thức có hiệu lực, PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, các Luật mới sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường BĐS.
Bởi, các Luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc có mục tiêu hướng đến nhằm giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc này.
Trên thực tế, nỗ lực giải quyết các vướng mắc, điểm nghẽn được thể hiện trong các đạo luật được thông qua, tuy chưa đạt tới kỳ vọng, nhưng chắc chắn sẽ phát huy hiệu lực tích cực.
Theo TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, các Luật có hiệu lực sớm về mặt thời gian đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi đóng góp từ 12-14% GDP quốc gia. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là cho cả quá trình phục hồi kinh tế.
TS Võ Trí Thành nhìn nhận, việc cả 3 Luật chính thức có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết các “nút thắt” cho thị trường khi 70-80% các vướng mắc đang tồn tại là do pháp lý.
Ở góc nhìn khác, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, việc đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực chính thức của ba Luật sớm hơn 5 tháng so với quy định, góp phần tích cực tới thị trường BĐS.
Điều này giúp nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới định giá đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH, thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy thị trường phục hồi
Tuy nhiên, để thị trường BĐS thực sự ổn định và phát triển trở lại, PGS.TS Trần Đình Thiên lưu ý, cần thiết phải “thông cầu, thông cung” – để cung và cầu BĐS bị tắc nghẽn hiện nay có thể gặp nhau, thị trường mới “đổi sắc”.
GS.TS Trần Đình Thiên chỉ rõ 4 vấn đề cần phải giải quyết ngay.
Thứ nhất, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm, để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường.
Thứ hai, thông các nguồn lực và có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp kinh doanh BĐS và khách hàng, nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới.
Thứ ba, xem xét các giải pháp cải thiện mức lương tối thiểu để người dân có cơ hội tăng thu nhập, từ đó cầu cũng tăng lên.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc BĐS công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng.
Các giải pháp trên cần được thực hiện một cách đồng bộ, nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường. Trong đó, khơi thông vốn cho thị trường BĐS chính là khâu trọng yếu đó.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành cho rằng, cần phải hoàn thiện pháp lý với quy trình, thủ tục tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo là công cụ để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nỗ lực tái cấu trúc, phát triển BĐS hợp túi tiền, nhu cầu của người dân.
Minh bạch hơn thông tin về dự án BĐS
Liên quan đến việc 3 Luật mới tác động đến lĩnh vực BĐS, ông Vương Duy Dũng – Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, hiện nay những điểm mới trong Luật về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai cho thấy những ưu điểm, kỳ vọng khắc phục những rủi ro trên thị trường. Nổi bật là bổ sung quy định về việc công khai thông tin trước khi đưa BĐS vào kinh doanh.
“Đây là quy định cụ thể đối với trách nhiệm của các doanh nghiệp khi kinh doanh BĐS sẽ phải khai trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị truờng BĐS do Bộ Xây dựng quản lý và trên website của doanh nghiệp. Đây là quy định mới quan trọng để đảm bảo thị trường BĐS, hoạt động kinh doanh BĐS, các giao dịch rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, các nhà đầu tư, người dân có cơ sở để tham khảo thông tin đối với BĐS khi tham gia giao dịch”.
Cũng theo ông Dũng, một trong những nội dung đáng chú ý của Luật lần này sẽ giúp tăng hiệu quả và minh bạch đó là chủ đầu tư dự án BĐS tại giao dịch BĐS phải ghi đúng giá thực tế trong hợp đồng, đồng thời mua nhà từ chủ dự án bắt buộc phải được thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
“Quy định này liên quan đến việc giao dịch thu tiền, mua bán và công trình xây dựng cũng như quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thông qua tài khoản, hướng tới việc quản lý các giao dịch giữa chủ đầu tư, doanh nghiệp và người mua, đảm bảo được quản lý và kê khai minh bạch hơn”.
* Chính phủ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở 2023:
Nghị định 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở. Những nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định cụ thể đối tượng thuộc diện được bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư, điều kiện được bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư…
Nghị định 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nghị định này có quy định chi tiết 5 trường hợp nhà chung cư buộc phải di dời từ ngày 01/8/2024.
Nghị định 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển, quản lý NƠXH. Đáng chú ý, Nghị định quy định người độc thân có thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở xuống được phép mua NƠXH.
Quyết định 11/2024/QĐ-TTg quy định diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ. Quyết định này quy định nhà ở công vụ được đầu tư xây dựng đồng bộ với các công trình hạ tầng, đảm bảo các tiêu chí về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và các tiêu chí khác theo quy hoạch xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.
* Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 01/8/2024, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khoản 6 Điều 3, Điều 9, khoản 2 Điều 10, Điều 16, khoản 4 Điều 22, điểm d khoản 1 Điều 28, khoản 3 Điều 28, khoản 6 Điều 49, Điều 65, khoản 2 Điều 74, khoản 9 Điều 76, khoản 10 Điều 76, Điều 81, Điều 82, Điều 84, Điều 87, Điều 88, điểm b khoản 5 Điều 89, khoản 7 Điều 89, Điều 90, Điều 113, khoản 3 Điều 115, khoản 6 Điều 116, khoản 7 Điều 116, khoản 1 Điều 122, điểm n khoản 3 Điều 124, khoản 8 Điều 124, Điều 125, Điều 126, Điều 127, Điều 172, Điều 181, Điều 190, Điều 192, Điều 193, Điều 194, Điều 197, Điều 200, Điều 201, Điều 202, Điều 203, Điều 204, Điều 208, Điều 210, Điều 216, Điều 218, Điều 219, Điều 223, Điều 232, khoản 8 Điều 234, khoản 7 Điều 236, khoản 2 Điều 240, điểm c khoản 2 Điều 243, điểm b khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai.
* Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 94/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS.
Theo đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS được thực hiện theo quy định về: Thu thập thông tin, dữ liệu; chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu; tiếp nhận và xử lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu; thời hạn chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị