Ghi nhận những mô hình, hoạt động xây dựng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ghi nhận những mô hình, hoạt động xây dựng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Các mô hình, hoạt động công trình hiệu quả năng lượng, phát triển công trình xanh của khu vực xây dựng đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả tiết kiệm điện/năng lượng đến năm 2020 và dự báo cho các giai đoạn tiếp theo, khu vực xây dựng đã xây dựng các mô hình công trình hiệu quả năng lượng, phát triển công trình xanh.
Trong đó, tính đến cuối quý 2/2024, cả nước hiện có khoảng 476 công trình xanh với tổng diện tích sàn khoảng 11.489.000 m2; đa có 30 công trình được thử nghiệm cấp Chứng nhận hiệu quả năng lượng.
Trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các cơ sở sản xuất VLXD, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển VLXKN với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20 – 25% vào năm 2015, 30 – 40% vào năm 2020.
Sau 10 năm thực hiện, từ năm 2010-2020, số doanh nghiệp sản xuất VLXKN đã lên tới 1.600 doanh nghiệp, tổng công suất thiết kế của 03 loại sản phẩm chính (gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt và tấm tường bê tông rỗng đùn ép) năm 2020 đạt khoảng 10,2 tỷ viên QTC/năm, sản lượng sản xuất đạt khoảng 5 tỷ viên QTC, chiếm trên 25% so với tổng sản lượng vật liệu xây.
Với sản lượng trên, hằng năm đã tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m3 đất sét, tương đương 375 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m, giảm tiêu thụ khoảng 750.000 tấn than và giảm thải ra môi trường khoảng 2,85 triệu tấn CO2. Đây là kết quả khá tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng và giảm quá trình suy giảm diện tích đất nông nghiệp ở nước ta.
Sau khi kết thúc Chương trình giai đoạn 2010-2020, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến năm 2030.
Bộ Công Thương đánh giá, những kết quả trên là khá tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Báo cáo về kết quả thực hiện Quyết định số 2171/QĐ-TTg của Bộ Xây dựng cũng cho biết, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các công trình xây dựng tại các địa phương đã tuân thủ quy định về tỷ lệ sử dụng VLXKN theo Quyết định số 2171/QĐ-TTg.
Trong đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, tại TP Hà Nội và TP.HCM sử dụng tối thiểu 90%; tại các khu đô thị từ loại III trở lên của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ, sử dụng tối thiểu 80%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; Đối với các tỉnh còn lại, tại các đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 70% (trừ TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ sử dụng tối thiểu 80%), tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50%.
Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên sử dụng tối thiểu 80% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn.
Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất xi măng đầu tư các thiết bị tận dụng nhiệt thừa để phát điện nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các nhà máy đầu tư xây dựng từ năm 2015 đến nay đều đầu tư đồng bộ hệ thống sử dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện, đã tự túc được 20 – 30% sản lượng điện, đồng thời có tác động giảmđáng kể lượng bụi phát thải ra môi trường.
Tính đến 30/11/2023, cả nước có 8 tỉnh với 27 dây chuyền lắp đặt hệ thống sử dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện với tổng công suất 186,37 MW.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị