Dubai: Mùa hè khắc nghiệt với nhiệt độ cảm nhận vượt mức 60 độ C
Dubai: Mùa hè khắc nghiệt với nhiệt độ cảm nhận vượt mức 60 độ C
Mùa hè năm nay, Dubai, trung tâm tài chính của Trung Đông, đang phải hứng chịu tình trạng nắng nóng kèm theo độ ẩm cao khiến nhiệt độ cảm nhận tăng trên mức 60 độ C trong nhiều ngày.
Ngày 20/7, nhiệt độ đạt mức cao nhất là 42 độ C tại Sân bay quốc tế Dubai, theo dữ liệu từ Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, độ ẩm cao trong ngày hôm đó đã khiến nhiệt độ “cảm nhận được” tăng đến hơn 62 độ C (Theo chỉ số nhiệt của cơ quan thời tiết, kết hợp cả hai số liệu để thể hiện nhiệt độ “cảm nhận được” đối với cơ thể con người).
Cơ quan thời tiết Mỹ cho biết nhiệt độ cao như vậy gây ra “mối nguy hiểm cực độ” cho con người, có khả năng gây ra say nắng. Mặc dù độ ẩm đã giảm trong vài ngày qua, nhiệt độ thiêu đốt ở thành phố sa mạc vẫn tiếp diễn khi Trung Đông nóng lên với tốc độ nhanh nhất thế giới.
Dubai đã phải gánh chịu hậu quả của thời tiết khắc nghiệt vào tháng 4 năm nay, với lượng mưa kỷ lục đổ xuống thành phố, khiến nhà cửa và đường cao tốc bị ngập trong nhiều ngày.
Mùa hè năm nay, nhiệt độ “cảm nhận được” ở Dubai đã vượt quá 60 độ C trong 5 ngày, cao hơn rất nhiều so với chỉ 1 ngày vào năm 2023 và không ngày nào vào năm 2022. Ngưỡng “cực kỳ nguy hiểm” đối với sức khỏe (trên 54 độ C) đã bị phá vỡ trong 13 ngày vào năm nay, so với 23 ngày vào năm ngoái và 7 ngày vào năm trước đó.
Thời tiết khắc nghiệt đang tấn công nhiều nơi trên thế giới với tần suất và cường độ mạnh hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng. Các quốc gia từ Canada đến Hy Lạp đang cảm nhận được những tác động rõ ràng. Tuy nhiên, Trung Đông đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do địa hình sa mạc và vị trí gần Vịnh Ba Tư.
Biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa lâu dài đối với các thành phố lớn trong khu vực. Theo dự báo từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, Trung Đông sẽ chứng kiến nhiệt độ tăng 1,3 độ C vào cuối thế kỷ theo kịch bản lạc quan và 4,7 độ C trong kịch bản bi quan.
“Điều này sẽ đe dọa đến tính mạng con người, ngay cả những loài động vật có khả năng chịu nhiệt độ cao như lạc đà cũng không thể sống sót trong điều kiện như vậy”, các nhà khoa học trong và ngoài khu vực cho biết trong một bài báo trên tạp chí Khoa học Khí hậu và Khí quyển của Nature.
Vịnh Ba Tư trở thành vùng biển nóng nhất thế giới vào mùa hè, với nhiệt độ thường xuyên vượt quá 36 độ C ở vùng nước nông gần UAE. Nhìn chung, Vịnh đang ấm lên nhanh gấp đôi so với các đại dương trên thế giới và các đợt nắng nóng trên biển đang trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Bị kẹt giữa không khí sa mạc nóng và độ ẩm cao từ biển, các vùng ven biển chịu tác động nặng nề nhất. Các thành phố phải đối mặt với thách thức bổ sung của cái gọi là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Các khu vực xây dựng bê tông thường nóng hơn 3-4 độ C so với vùng nông thôn.
Trung Đông nói chung đang nóng lên với tốc độ 0,45 độ C mỗi thập kỷ, cao hơn 1,66 lần so với mức trung bình toàn cầu. Người già và trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao.
Những người làm việc ngoài trời cũng trở thành đối tượng dễ tổn thương vì thời tiết cực đoan. Nắng nóng có thể gây tử vong và làm nổi bật sự bất bình đẳng cố hữu theo ranh giới kinh tế xã hội và dân tộc ở các quốc gia vùng Vịnh.
Trong khi đó, những người lao động trí óc dành cả ngày trong nhà và những người dễ dàng tiếp cận với hệ thống làm mát đắt tiền có thể dễ dàng giảm bớt các tác động của thời tiết hơn nhiều.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị