Tiền Giang: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững

Năm 2023, Việt Nam đã có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Cùng với đó, có 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm và 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh hoạt động trên cả nước. Những con số này chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo.

Từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ rằng “Phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Chính sách này đòi hỏi sự đầu tư ưu tiên vào KH&CN trong mọi hoạt động của các ngành, các cấp.

Trong những năm qua, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang đã không ngừng đổi mới, sáng tạo và ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Mô hình trồng nấm bào ngư tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học Công nghệ, trực thuộc Sở KH&CN Tiền Giang. Ảnh: baoapbac.vn

Năm 2023, Sở KH&CN Tiền Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp Hội đồng tư vấn giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết thúc nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cấp cơ sở. Kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ khởi nghiệp và ứng dụng KH&CN trong sản xuất. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, việc ứng dụng KH&CN trong sản xuất rau màu đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Diện tích áp dụng hệ thống tưới phun mưa đạt 3.400 ha, chiếm khoảng 80% diện tích gieo trồng rau màu các loại. Diện tích áp dụng IPM đạt 2.800 ha, chiếm 65% diện tích gieo trồng rau màu các loại. Hiệu quả thu nhập từ cây rau đạt từ 150 triệu đến 325 triệu đồng/ha/năm.

Tại huyện Gò Công Tây, địa phương nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang, các hợp tác xã rau an toàn xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, ứng dụng KH&CN trong thâm canh, hình thành các vùng trồng rau màu tập trung ứng phó biến đổi khí hậu vừa tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng phục vụ thị trường, đạt lợi nhuận cao.

Sở KH&CN Tiền Giang đã hỗ trợ cho 9 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Sở cũng đã vận động, hỗ trợ và hướng dẫn 3 doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Các doanh nghiệp này đã đáp ứng tốt các yêu cầu của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và được đề nghị Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải Vàng.

Giám đốc Sở KH&CN Lê Quang Khôi cho biết, thời gian qua, Sở KH&CN luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Bộ KH&CN, UBND tỉnh và sự phối hợp của các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN, cùng với sự lãnh đạo, điều hành của Ban Giám đốc Sở trong việc thúc đẩy phát triển ngành đã huy động được sự đoàn kết nhất trí cao của tập thể công chức, viên chức Sở cùng nỗ lực quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích