Những cánh tay nối dài nhiệt huyết của ngành BHXH

(Xây dựng) – Chị Phạm Thị Hiền Lương cư trú tại xã Sông Lô, thành phố Việt Trì là một trong số các nhân viên thu BHXH, BHYT, các cộng tác viên của BHXH tỉnh Phú Thọ. Bằng sự nhiệt huyết với công việc, cố gắng, nỗ lực không biết mệt mỏi của các nhân viên thu BHXH, BHYT, những cánh tay nối dài của ngành BHXH đã đem đến những quả ngọt an sinh cho nhiều người trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Những cánh tay nối dài nhiệt huyết của ngành BHXH
Chị Phạm Thị Hiền Lương tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho người dân.

Kết quả năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng BHXH tỉnh Phú Thọ có 57.563 người đã và đang tham gia BHXH tự nguyện, tăng 8.572 người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 106,3% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, có 260.265 người tham gia BHYT hộ gia đình. Kết quả trên có sự đóng góp không hề nhỏ của những cánh tay nối dài của BHXH tỉnh Phú Thọ.

Hiện tại chị Phạm Thị Hiền Lương quản lý gần 200 người tham gia BHXH tự nguyện và gần 600 người tham gia BHYT hộ gia đình. Để có được kết quả vượt trội như vậy, Lương cho biết, bản thân luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi kiến thức về công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT để nắm chắc được những quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.

Đặc biệt, chị Lương còn tích cực thu thập danh sách, dữ liệu những người dân chưa tham gia BHXH, BHYT hoặc đã tham gia BHXH, BHYT nhưng ngừng đóng, đã tham gia BHYT nhưng chưa tham gia BHXH… Từ đó, bố trí thời gian đến từng nhà, ra tận chợ nơi mà họ ở, họ đang làm. Tranh thủ lúc buổi trưa, thậm chí, nhiều buổi tối, ngày nghỉ, chị Lương không quản ngại gặp từng người dân để tuyên truyền, vận động.

Hàng tuần, đầu tuần chị lập kế hoạch, trong tuần phải đi những đâu, gặp người nào, nhất là những người đang tham gia để còn nhắc trước họ chuẩn bị nộp tiền tham gia BHXH tự nguyện tái tục hoặc gia hạn tiếp BHYT, tránh trường hợp bị ngắt quãng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng. Chị luôn chú ý để người tham gia BHYT không ngắt quãng, làm mất quyền lợi 5 năm liên tục, sau nhỡ ốm đau, bệnh tật lại giảm quyền lợi hưởng.

Công việc chính của chị là làm ở UBND xã. Chị chỉ tranh thủ làm lúc ngoài giờ hành chính chị đi tuyên truyền, đi thu tiền những người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tái tục đồng thời tư vấn, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho người dân xung quanh. Trong cốp xe của chị lúc nào cũng có quyển Biên lai thu tiền, tờ rơi, biểu mức đóng, dự kiến mức hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện.

Để những người tham gia BHXH, BHYT yên tâm, chị đăng ký tài khoản VssID – BHXH số cho họ luôn, họ không có địa chỉ email thì chị đăng ký luôn cho họ, họ không có điện thoại thông minh thì chị vẫn cứ đăng ký tài khoản cho, nếu lúc nào cần tra cứu, họ có thể mượn điện thoại người thân hoặc hàng xóm.

Thời gian vừa rồi, chị đi cùng công an xã, xuống các khu dân cư để giúp người dân kích hoạt, sử dụng CCCD, ứng dụng tiện ích VneID, chị cũng giúp người tham gia tích hoạt thẻ BHYT thay thế thẻ BHYT giấy… Chị duy trì kết nối với khách hàng của chị phát triển được qua điện thoại, Zalo, Facebook … Đồng thời, cũng có sổ, danh sách theo dõi hạn đóng BHXH tự nguyện, BHYT của khách hàng chị phát triển được, thường xuyên cập nhật, theo dõi để xác định người đến hạn đóng để nhắc bà con đến hạn đóng BHXH, BHYT kịp thời. Tất cả những việc đó, chị làm vì đam mê, nhưng cũng một phần vì thu nhập tại UBND xã thấp nên chị phải cố gắng, nỗ lực, vừa giúp người vừa giúp cho chính bản thân mình.

Ngoài việc đi tư vấn, tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, chị còn xây dựng đội ngũ chân rết ở dưới các khu dân cư. Đó là những người này nắm rõ thông tin, điều kiện kinh tế…của người dân. Chị hướng dẫn họ cách tuyên truyền, nội dung chính của chính sách BHXH, BHYT, nếu trường hợp nào khó chị trực tiếp đến tư vấn, khó hơn nữa chị lại nhờ cán bộ của BHXH tỉnh tư vấn giúp.

Sau nhiều năm gắn bó với công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, chị Lương đã rút ra kinh nghiệm cho mình và cũng truyền cho những chân rết của mình bài học sâu sắc, đó là phải luôn kiên trì, lắng nghe người dân, giải thích để người dân rõ tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHXH, BHYT do Nhà nước đồng thời, nắm bắt thông tin về người dân thật kỹ, thật rõ, từ đó vận dụng linh hoạt cách tiếp cận phù hợp với từng hoàn cảnh, luôn chia sẻ và thấu hiểu… để có thể tăng nhanh số người tham gia BHXH tự nguyện.

Chị Phạm Thị Hiền Lương là một trong số những cánh tay nối dài tích cực của BHXH tỉnh Phú Thọ. Để hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, thời gian tới, ngành BHXH tỉnh Phú Thọ cần có thêm nhiều cánh tay nối dài tích cực như thế để chính sách được lan tỏa mạnh mẽ hơn đến người dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích