Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị điều chỉnh 6 điều kiện cho phép tồn tại công trình vi phạm trật tự xây dựng
(Xây dựng) – Trên cơ sở thực tế công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất một số ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tham gia ý kiến tại Hội thảo do Bộ Xây dựng tổ chức. |
Áp dụng biện pháp ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước cho công trình vi phạm trên cả nước
Theo ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: Quy định tại Điều 33 Luật Thủ đô vừa được thông qua, trong trường hợp thật cần thiết, để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm. Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị cho phép áp dụng nội dung này trong Nghị định 16 để áp dụng chung cho toàn quốc.
Đối với các biện pháp khắc phục hậu quả, từ năm 2018 trở lại đây, các sai phạm đều phải phá dỡ và chỉ cho phép áp dụng tồn tại đối với các hành vi đã xảy ra từ ngày 4/1/2008 và đã kết thúc trước ngày 15/1/2018.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, lực lượng cán bộ thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng rất mỏng, cán bộ các phường còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên thiếu kiến thức chuyên môn. Ngay cả một số cán bộ chuyên trách tại các Đội quản lý trật tự xây dựng cũng còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Việc yêu cầu kịp thời phát hiện sai phạm tại các dự án là rất khó khả thi. Nhiều công trình đến lúc phát hiện được các sai phạm thì đã trong tình trạng hoàn thành, rất khó để phá dỡ.
Một số các công trình vi phạm từ những năm trước 2008 trở lại đây chưa xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm nên vẫn còn tồn tại dai dẳng, không có hành lang pháp luật để xử lý. Trong khi việc áp dụng biện pháp phá dỡ các công trình lớn đều gặp rất nhiều khó khăn, từ việc tìm đơn vị tư vấn phương án phá dỡ cho đến thực hiện phá dỡ.
Các đơn vị tư vấn hầu hết ngại nghiên cứu phương án phá dỡ do phải đảm bảo an toàn cho công trình sau phá dỡ. Việc thực hiện phá dỡ phải áp dụng các kỹ thuật công nghệ hiện đại rất tốn kém mới thực hiện được nhưng lại thiếu đơn giá định mức, có công trình thực hiện phá dỡ từ năm 2019 đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư quyết toán. Do vậy, để đảm bảo biện pháp khắc phục phù hợp với thực tiễn, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị bên cạnh biện pháp phá dỡ cần cho phép bổ sung áp dụng cả biện pháp khắc phục cho tồn tại có điều kiện.
Kiến nghị cho phép áp dụng biện pháp khắc phục cho tồn tại có điều kiện
Đối với các điều kiện cho phép tồn tại và quy định chuyển tiếp, Sở Xây dựng cũng kiến nghị cần điều chỉnh lại 6 điều kiện cho phép tồn tại hiện nay do nội dung không rõ hoặc khó thực hiện trong thực tiễn:
Thứ nhất, về thời gian áp dụng chuyển tiếp, đề nghị cho phép áp dụng chuyển tiếp đối với các công trình đang trong quá trình xử lý đến thời gian Nghị định sửa đổi được ban hành và có hiệu lực áp dụng.
Thứ hai, về điều kiện vi phạm chỉ giới xây dựng, thực tế có những công trình vi phạm chỉ giới xây dựng không lớn vẫn nằm trong chỉ giới đường đỏ nhưng do không phát hiện kịp thời công trình xây dựng đã 15-16 tầng. Nếu đúng theo quy định thì phải phá dỡ cả công trình, rất lãng phí và tốn kém. Do vậy đối với nội dung này đề nghị cho địa phương được quyền áp dụng biện pháp phù hợp.
Thứ ba, đối với điều kiện không ảnh hưởng tới công trình lân cận, khái niệm này cũng rất mơ hồ không có định lượng cụ thể do các công trình xây dựng vi phạm không ít thì nhiều đều có ảnh hưởng tới công trình lân cận nên cũng khó áp dụng. Kiến nghị điều chỉnh thành không ảnh hưởng tới an toàn kết cấu của các công trình lân cận được cơ quan tư vấn có năng lực thẩm tra, kiểm định xác nhận.
Thứ tư, đối với điều kiện không có tranh chấp. Hiện nay tại các công trình nhà chung cư, việc khiếu nại, tranh chấp quyền sở hữu chung riêng diễn ra rất nhiều. Nội dung tranh chấp có khi không liên quan tới phần công trình vi phạm đề nghị cho tồn tại nhưng do không chi tiết nên khó cho cơ quan thi hành khẳng định nội dung này. Kiến nghị nghiên cứu điều chỉnh theo hướng chủ đầu tư chứng minh được quyền sở hữu riêng của mình được cơ quan kiểm toán xác nhận.
Thứ năm, đối với điều kiện phù hợp với quy hoạch, hầu hết các nội dung vi phạm của chủ đầu tư đều sai so với bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết được cơ quan Nhà nước chấp thuận nhưng không được điều chỉnh do quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì công trình phải khắc phục xong các vi phạm mới được điều chỉnh quy hoạch. Việc xác định phù hợp với quy hoạch cũng rất khó cho cơ quan quản lý Nhà nước. Kiến nghị điều chỉnh thành được sự thống nhất của cơ quản lý quy hoạch của địa phương.
Thứ sáu, cần bổ sung điều kiện công trình phải được kiểm định an toàn kết cấu và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Triệt tiêu các lợi ích của chủ đầu tư thu được từ vi phạm
Đối với mức xử phạt áp dụng cho tồn tại công trình vi phạm mới, Sở Xây dựng đề nghị nâng mức xử phạt, thu toàn bộ số lợi bất hợp pháp mà chủ đầu tư có thể thu được từ hành vi vi phạm. Trường hợp có dấu hiệu gian dối của chủ đầu tư thì chuyển cơ quan điều tra để đảm bảo Nhà nước thu hồi toàn bộ số tiền này.
Đối với việc vi phạm không tăng diện tích sàn nhưng tăng số lượng căn hộ, theo quy định hiện nay rất khó xử lý do không thu được số lợi bất hợp pháp, kiến nghị bổ sung biện pháp khắc phục thu phí hạ tầng do việc tăng số lượng căn hộ sẽ chất tải lên hệ thống hạ tầng của thành phố.
Đối với hành vi tăng chiều cao của công trình nhưng không tăng diện tích sàn, kiến nghị bổ sung biện pháp khắc phục thu phí lấn chiếm không gian của công trình vi phạm.
Mục đích của các biện pháp này mang tính răn đe các chủ đầu tư bằng cách triệt tiêu các lợi ích của chủ đầu tư thu được từ các hành vi vi phạm hoặc phạt nặng so với lợi ích chủ đầu tư đạt được từ các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.
Đối với các vụ việc vi phạm đã lâu, trong xử lý chuyển tiếp cũng cần cân nhắc đến khung pháp lý thời điểm vi phạm, mức độ thu lợi ích, thiệt hại của chủ đầu tư do dự án đình trệ không xử lý được, các dự án này cơ bản các chủ đầu tư đều thấm thía hậu quả của việc vi phạm, nên có hành lang pháp lý để tháo gỡ dứt điểm những tồn tại.
Bên cạnh đó, thời gian qua còn tình trạng các chủ đầu tư cho người dân vào ở khi công trình xây dựng chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu an toàn sử dụng gây nguy hiểm cho tính mạng người dân, trong khi chính quyền địa phương rất khó ngăn chặn. Đối với các công trình xây dựng mới, cần bổ sung quy định chuyển cơ quan công an điều tra xử lý hình sự để chấm dứt hành vi vi phạm này.
Nguồn: Báo xây dựng