Giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa – Bài 1: Xu thế và cơ hội

Giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa – Bài 1: Xu thế và cơ hội

Việc chuyển sang phương thức canh tác lúa giảm phát thải được đánh giá là một trong những giải pháp tiềm năng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030.

Là một quốc gia có diện tích sản xuất lúa nước lớn và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, việc chuyển sang phương thức canh tác lúa giảm phát thải được đánh giá là một trong những giải pháp tiềm năng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030, đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này.

Hiện nay, giảm phát thải khí nhà kính là một trong những vấn đề được toàn thế giới quan tâm, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến các quốc gia. Trong đó, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược của quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26-07-2022. Đây cũng là lý do Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”. Đề án đang được thực hiện thí điểm tại một số tỉnh vùng ĐBSCL, dự kiến đến tháng 8 năm nay nước ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”.

Đề án này được xây dựng nhằm hiện thực hóa nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu. Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là đề án mang tính chất đột phá trong việc tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có diễn biến tiêu cực, khó lường.

Giảm phát thải carbon là gì?

Giảm phát thải carbon hay thuật ngữ tiếng Anh là Carbon Reduction. Đây là một khái niệm quan trọng nhằm trung hòa carbon (Carbon Neutrality), để ứng phó trước sự thay đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Khi lượng khí Carbon Dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác được thải thông qua các hoạt động của con người, chúng sẽ gây tác hại và làm cho bầu khí quyển nóng lên, nhiệt độ Trái Đất cũng tăng lên. Từ đó, gây ra các vấn đề biến đổi khí hậu như hiện tượng băng tan, nhiệt độ tăng cao ở nhiều nơi, thời tiết thay đổi thất thường, thiên tai (khô hạn, ngập lụt, …) xảy ra phổ biến hơn, khiến cho nhiều loài sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cuộc sống con người cũng bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đang diễn ra khá nhanh, khiến nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, vì thế lượng phát thải carbon cũng tăng theo cấp số nhân. Một báo cáo vào năm 2019 đã chỉ ra, hệ lụy của sự phát triển kinh tế, đã khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí của Việt Nam cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

Đến lúc cần phải chuyển đổi

Theo các báo cáo khoa học, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, góp phần gia tăng tốc độ biến đổi khí hậu.

Từ thực tế đó, nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xanh hóa, phát thải carbon thấp trên cơ sở sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Điều đó sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trước đòi hỏi hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, Việt Nam sản xuất hàng năm khoảng 43 – 45 triệu tấn lúa, tương đương 26 – 28 triệu tấn gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn ở tốp đầu thế giới, đạt mức từ 5 – 7 triệu tấn/ năm với giá trị đạt trên 2 tỷ USD (số liệu thống kê từ 2016 – 2022).

Đặc biệt, ĐBSCL là vựa lúa chủ lực của Việt Nam với diện tích tự nhiên khoảng 4,1 triệu ha, trong đó có khoảng 2,6 triệu ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây ổn định khoảng 24 – 25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trong năm 2023, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, nước ta còn xuất khẩu được 8,1 triệu tấn gạo, thu về 4,6 tỷ USD.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả và bền vững như: Thu nhập của nông dân trồng lúa còn khá thấp; các biện pháp canh tác lúa vẫn còn chưa bền vững, sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, lãng phí tài nguyên nước, sử dụng nhiều lao động chân tay, sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết bền chặt giữa người trồng lúa với các hợp tác xã và doanh nghiệp dẫn đến giá thành sản xuất còn khá cao; thất thoát sau thu hoạch còn lớn; chất lượng lúa gạo còn chưa đồng đều. Đặc biệt là canh tác lúa cũng là ngành tạo ra lượng phát thải lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo thống kê, mỗi năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2, chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, sản xuất lúa nước chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; chăn nuôi chiếm khoảng 19%; sử dụng phân bón và quản lý đất chiếm 13%; đốt tàn dư thực vật gây phát thải chiếm khoảng 1,6%.

Năm 2020, số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tổng lượng phát thải khí nhà kính do sản xuất nông nghiệp là 90 triệu tấn CO2. Trong đó, canh tác lúa chiếm tới 39,1%, chăn nuôi chiếm 24,8%; canh tác nông nghiệp ngoài lúa chiếm 33,6%; từ đốt phụ phẩm chiếm 2,5%.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chính việc canh tác liên tục, sử dụng lượng giống cao, lạm dụng phân bón hóa học, duy trì mực nước thường xuyên trên đồng ruộng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động canh tác lúa kém hiệu quả, hiệu suất sử dụng phân bón không cao, đồng thời tăng lượng khí nhà kính phát thải. Riêng về phân bón, số liệu năm 2019 cho thấy, trung bình một ha lúa sử dụng hơn 0,4 tấn phân bón, tăng gấp 10 lần so với gần 60 năm trước.

Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, nguyên nhân khiến việc trồng lúa sản sinh ra lượng khí nhà kính lớn là do nhu cầu về nước tưới quá lớn hay việc tiêu tốn nhiều năng lượng trong quá trình trồng lúa. Đặc biệt, trong quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa nước đã làm sản sinh ra khí mê-tan (CH4), đây là một trong những khí nhà kính làm nóng lên toàn cầu.

TS. Vũ Duy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng khẳng định, canh tác lúa nước truyền thống đóng góp một lượng lớn phát thải khí nhà kính, đặc biệt là CH4: “Tưới ngập nước liên tục trong canh tác lúa truyền thống đã đã đẩy oxy (O2) ra khỏi đất, hình thành môi trường yếm khí. CH4 được tạo ra do việc phân giải các chất hữu cơ (phân bón hữu cơ, tàn dư rơm rạ, rễ cây chết,…) bởi vi sinh vật trong điều kiện thiếu oxy như vậy. Sau đó, khí CH4 sinh ra trong đất phát tán vào khí quyển, chủ yếu là thông qua mô khí dẫn từ rễ lên lá lúa”.

Bên cạnh đó, báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp năm 2023 đã chỉ ra, những cánh đồng lúa đóng góp 8% tổng lượng khí mê-tan do con người tạo ra trong khí quyển. Khí mê-tan là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành ozon ở tầng mặt đất, một chất ô nhiễm không khí nguy hiểm và khí nhà kính, tiếp xúc với chất này gây ra 1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. CH4 cũng là một khí nhà kính mạnh. Trong khoảng thời gian 20 năm, loại khí này có khả năng làm ấm mạnh hơn 80 lần so với khí CO2.

Cũng theo TS. Vũ Duy Hoàng (Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, việc nước ta thúc đẩy sản xuất lúa nước theo hướng tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính là minh chứng rõ ràng cho cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. “Vừa qua, trong Hội nghị COP 28, hay trước đó trong Hội nghị COP 26, Chính Phủ đã cam kết với thế giới rằng, Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cùng nhiều địa phương và các cơ quan cũng đã ban hành những chính sách khuyến khích áp dụng những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giảm phát thải trong những lĩnh vực khác nhau, trong đó bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu này và hiện thực hóa cam kết trên, chúng ta cần phải có những kế hoạch và hành động sớm”. – TS. Vũ Duy Hoàng nói.

Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, từ sau thời kỳ đổi mới, Việt Nam luôn nằm trong top đầu những nước xuất khẩu gạo trên thế giới do chúng ta đã biết áp dụng những biện pháp kỹ thuật tiên tiến, tạo ra năng suất ổn định. Đặc biệt trong 20 năm trở lại đây, sự phát triển vượt trội của khoa học công nghệ đã tạo ra những giống lúa có năng suất vượt trội và ngắn ngày. “Việc nước ta đẩy mạnh sản xuất lúa gạo không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới, tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất lúa nước gây ra lượng phát thải khí nhà kính lớn nên chúng ta cần phải chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, tức là vừa đảm bảo được năng suất chất lượng, vừa giảm được phát thải và bảo vệ môi trường”. – Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam nhận định.

Trong báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng khẳng định, đã đến lúc Việt Nam bắt buộc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp hơn. “Càng chần chừ lâu, chi phí sẽ càng cao”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Vị Giám đốc này cũng cho biết, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh thông qua phân bổ đầu tư công một cách chiến lược và tăng cường môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và hiện đại. Bên cạnh đó, thế giới ngày càng có những đòi hỏi, yêu cầu cao hơn về việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tiêu dùng xanh trở thành xu thế trên toàn cầu. Vì vậy, đòi hỏi ngành nông nghiệp, nông dân trồng lúa phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Hướng tới mục tiêu giảm phát thải và tăng thu nhập cho người nông dân

Một nghiên cứu do Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) thực hiện cho thấy, nếu thực hiện trồng lúa giảm phát thải carbon trên 1,9 triệu ha lúa, tiềm năng giúp ngành lúa gạo vùng ĐBSCL vào năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính là gần 11 triệu tấn CO2e (CO2 quy đổi) mỗi năm. Ngoài ra, việc tái sử dụng 70% lượng rơm rạ cho các hình thức khác sẽ giảm khoảng 50% lượng phát thải khí nhà kính so với việc đốt rơm rạ.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, có thể giảm từ 12 – 23 tấn CO2e bằng việc thúc đẩy Canh tác thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) và Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thay thế đất trồng lúa kém hiệu quả bằng hệ thống canh tác thông minh với khí hậu, giảm thất thoát sau thu hoạch và quản lý rơm rạ tốt hơn.

Xét về mặt kinh tế, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Ông Lê Thanh Tùng đã tính toán, với diện tích lúa khi thực hiện đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm (sản lượng 13 triệu tấn lúa năm 2030). Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Chỉ với hai yếu tố trên, ngành lúa sẽ có thêm 16.500 tỷ đồng/năm, chưa kể các yếu tố tăng thêm về giá trị trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải.

Trong Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao cũng nêu rõ, mục tiêu chung của đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Cụ thể, đến năm 2030, giảm lượng lúa giống gieo hạ xuống 80-100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống… Tỷ suất lợi nhuận của nông dân trồng lúa là trên 50%.

Các chuyên gia cho rằng, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao là chủ trương và hướng đi vô cùng đúng đắn của Chính phủ. Bởi việc sản xuất lúa giảm phát thải carbon vừa là xu thế, cũng chính là cơ hội đối với nước ta. “Việc ra đời đề án là một sự hưởng ứng tích cực đối với chủ trường, xu thế tăng trưởng xanh, giảm phát thải carbon của nhân loại. Một đề án đúng, trúng và rất hay”, GS.TSKH Trần Duy Quý nhận định.

Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, thực hiện trồng lúa giảm phát thải carbon không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, chúng ta còn có thể tham gia vào việc bán tín chỉ carbon cho thế giới. Đồng thời, rèn cho người nông dân trong thời đại mới có ý thức chủ động trong việc tiếp cận với nền nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp sạch, khép kín và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật thông minh vào quá trình sản xuất để giảm được tối đa chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng, duy trì được lợi ích lâu dài cho người nông dân.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, với 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon/năm. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon, tức 1 triệu ha lúa người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD/năm.

Đánh giá về thị trường tín chỉ carbon trên thế giới, TS. Vũ Duy Hoàng (Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhận định, hiện nay thị trường tín chỉ carbon đã bắt đầu sôi động. Nếu cắt giảm được phát thải khí mê-tan trong trồng lúa, lượng giảm phát thải này có thể được chuyển đổi thành tín chỉ carbon và giao dịch trên thị trường trong nước và quốc tế, mang lại lợi nhuận và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, việc canh tác lúa giảm phát thải carbon không chỉ đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà đây còn là cơ hội để nâng cao vị thế, giá trị và thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đã khẳng định, trồng lúa là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân Việt Nam. Vì vậy, đứng trước bất kỳ sự thay đổi nào đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi, sẽ càng khó khăn hơn.

Đề án phát triển 1 triệu ha lúa không đơn thuần chỉ là khoanh vùng trồng lúa chất lượng cao mà chính là điểm khởi đầu cho cuộc cách mạng mới trong sản xuất để chứng minh cách Việt Nam tạo ra hạt gạo là minh bạch, trách nhiệm. Đồng thời, truyền đi thông điệp, chúng ta không đo đếm trên diện tích, năng suất mà tìm kiếm những giá trị mới, thích ứng với tăng trưởng xanh, tuần hoàn và phát thải thấp.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích