“Bỏ túi” 8 cách phòng ngừa thoái hóa khớp hiệu quả nhất
“Bỏ túi” 8 cách phòng ngừa thoái hóa khớp hiệu quả nhất
Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng thoái hóa ở sụn khớp gối? Bài viết này sẽ tổng hợp 8 biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp gối hiệu quả nhất.
Thoái hóa khớp có thể xem là nguyên nhân gây ra tình trạng tàn phế phổ biến nhất ở người trưởng thành, đặc biệt là nhóm đối tượng trung niên trở lên. Ước tính có đến 90% người từ 40 tuổi đã có khớp gối, háng, đốt sống thắt lưng hoặc bàn chân bắt đầu bị bào mòn. Các triệu chứng có thể không xuất hiện rõ ràng cho đến nhiều năm sau đó, khiến việc kiểm soát và điều trị bệnh chậm trễ, từ đó là tăng nguy cơ phát sinh biến chứng.
Vậy, thoái hóa khớp có thể phòng tránh được không? Cần làm gì để ngăn chặn cũng như làm chậm quá trình bào mòn sụn khớp? Top 8 phương pháp đơn giản và cực kỳ hữu ích sẽ được đề cập đến qua bài viết sau.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp
Hiểu rõ về những yếu tố góp phần thúc đẩy quá trình bào mòn sụn khớp xảy ra là yếu tố cần thiết để có thể chủ động trong việc phòng ngừa thoái hóa khớp hiệu quả. Thực tế, vấn đề sức khỏe mạn tính này thường là hệ lụy của lão hóa. Tuy nhiên, đôi khi khớp còn có thể bị thoái hóa bởi một số yếu tố phức tạp khác, chẳng hạn như:
Chấn thương hoặc vận động quá mức khiến sức khỏe khớp suy yếu, dễ bị tổn thương dẫn đến thoái hóa
Thừa cân, béo phì làm cho các khớp như đầu gối, háng… phải chịu thêm áp lực, làm tăng nguy cơ chấn thương cũng như thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn
Một số nguyên nhân khách quan như giới tính, yếu tố di truyền, chủng tộc…
Ngoài ra, các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường (tiểu đường), gout (gút)… cũng góp phần gây thoái hóa khớp với các dấu hiệu thường gặp như đau sưng, cứng khớp và vận động khó khăn, từ đó ảnh hưởng không ít đến công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
Top 8 cách phòng ngừa thoái hóa khớp đơn giản, hiệu quả
Nhìn chung, mục đích chính của các biện pháp phòng tránh tình trạng thoái hóa khớp là giảm thiểu những yếu tố nguy cơ gây nên vấn đề xương khớp này, đồng thời hỗ trợ nâng cao sức khỏe tổng thể. Về cơ bản, quá trình bào mòn sụn khớp có thể được phòng tránh từ sớm bằng cách điều chỉnh lối sinh hoạt với những thói quen gồm:
1. Duy trì cân nặng hợp lý
Đầu gối và háng là hai khớp chịu trách nhiệm chống đỡ trọng lượng cơ thể. Điều này cũng có nghĩa là ở những người thừa cân hoặc béo phì, các khớp này của họ sẽ chịu gánh chịu thêm áp lực không đáng có, từ đó tạo điều kiện cho quá trình thoái hóa diễn ra sớm và nhanh hơn.
Như vậy, duy trì trọng lượng hợp lý chính là điều đầu tiên cần được ghi nhớ và áp dụng để ngăn ngừa thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp gối, khớp háng nói riêng hiệu quả.
2. Tập thể dục thể thao
Thường xuyên rèn luyện thể chất với các bài tập thể dục, thể thao phù hợp là một trong những cách duy trì cân nặng phù hợp hiệu quả và an toàn nhất. Tập thể dục mỗi tuần 5 buổi, mỗi buổi 30 phút có thể đem lại nhiều lợi ích như:
Tăng cường sức bền cũng như sức khỏe xương khớp
Thuyên giảm tình trạng đau cứng khớp và mỏi mệt
Cải thiện sức mạnh cho các nhóm cơ
Nâng cao sức khỏe tổng thể
Đạp xe, đi bộ, bơi lội và các bài tập cường độ thấp như yoga được xem là hình thức vận động an toàn, có thể “rèn luyện” khớp mà không gây thêm áp lực lên đây. Với những người có nguy cơ cao bị thoái hoá khớp, hãy tham vấn với bác sĩ để cùng lên kế hoạch tập luyện hiệu quả.
3. Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh
Mặc dù chưa có chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh là có thể ngăn ngừa thoái hóa khớp, nhiều chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyến khích mọi người, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, nên bổ sung 2 nhóm hoạt chất dưới đây vào khẩu phần ăn hàng ngày, bao gồm:
Axit béo omega-3
Hấp thụ đủ lượng omega-3 cần thiết cho cơ thể sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng viêm khớp, qua đó ngăn chặn quá trình thoái hoá phát sinh sớm. Các thực phẩm giàu omega-3 có thể kể đến như: dầu cá, quả óc chó, hạt lanh, quả oliu
Vitamin D
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung vitamin D có tác dụng giảm đau do thoái hoá khớp đầu gối, đồng thời làm chậm quá trình bào mòn lớp sụn khớp. Cân nhắc bổ sung các thực phẩm như cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích…), trứng và sữa vào thực đơn hàng ngày có thể tăng cường nhóm dưỡng chất này cho cơ thể.
4. Cân bằng việc tập luyện thể dục thể thao và nghỉ ngơi
Tập thể dục thể thao có thể giúp cải thiện sức khỏe cơ xương khớp, nhưng luyện tập quá mức sẽ gây phản tác dụng. Do đó, mọi người cần cân bằng giữa việc tập luyện và nghỉ ngơi.
Ngoài ra, các cơ quan và bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả xương khớp, đều cần được nghỉ ngơi để có thời gian phục hồi và tái tạo năng lượng. Cũng chính vì vậy, ngủ đủ giấc mỗi đêm cũng có thể xem là một thói quen tốt góp phần phòng ngừa thoái hóa khớp.
5. Cẩn thận khi vận động để phòng tránh thoái hóa khớp ngay từ đầu
Tổn thương khớp là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy quá trình thoái hóa sớm xảy ra. Vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng này, những người đang làm công việc thường xuyên phải khuân vác vật nặng, lên xuống cầu thang, đứng lên ngồi xuống hoặc trườn bò nên có biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân.
Ngoài ra, khi tập thể dục thể thao mọi người cũng đừng quên:
Luôn khởi động trước khi tập luyện và làm mát sau khi tập xong
Tránh gập đầu gối quá mức khi thực hiện bài tập squat
Khuỵu gối khi tiếp đất với các bài tập bật nhảy
Chọn giày tập vừa chân, chắc chắn và có khả năng hấp thụ sốc
Nên tập luyện trên bề mặt phẳng, láng, tránh tập trên đường nhựa hoặc gồ ghề
6. Kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định
Đái tháo đường đã được chứng minh là một trong những bệnh lý có khả năng làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Lượng đường trong máu ở mức quá cao sẽ dẫn đến:
Làm tăng tốc độ hình thành các phân tử gây cứng lớp sụn khớp
Kích thích các phản ứng viêm diễn ra
Đẩy nhanh quá trình bào mòn sụn khớp
Do đó, không thể không nhắc đến việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu khi nói về vấn đề làm thế nào để ngăn ngừa thoái hóa khớp sớm.
7. Duy trì tư thế tốt khi làm việc và học tập
Đi, đứng, ngồi hoặc nằm đúng tư thế có thể giúp giảm thiểu áp lực tác động lên bề mặt sụn khớp bằng cách tạo sự cân bằng lực giữa các dây chằng và mô cơ xung quanh. Không những vậy, thói quen duy trì tư thế tốt khi vận động còn hạn chế sức ép sinh ra từ tình trạng mất cân đối của cơ thể ảnh hưởng đến khớp, qua đó làm chậm quá trình thoái hóa.
8. Tránh duy trì một tư thế quá lâu
Duy trì một tư thế trong thời gian dài có khả năng gây ứ trệ tuần hoàn và làm cứng khớp. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, khớp sẽ sớm bị thoái hóa. Đây cũng là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất ở dân công sở.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị