Mỹ khởi động Sáng kiến chống tài chính bất hợp pháp ở Amazon

Mỹ khởi động Sáng kiến chống tài chính bất hợp pháp ở Amazon

Các hành vi này gây mất cân bằng hệ sinh thái của rừng nhiệt đới Amazon, ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng địa phương, cũng như các nền kinh tế trong khu vực.

Ngày 27/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã khởi động Sáng kiến chống tài chính bất hợp pháp ở vùng Amazon nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác gỗ, khoáng sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép, đe dọa đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái trong khu vực.

Sáng kiến bao gồm việc tăng cường đào tạo, hợp tác và chia sẻ thông tin để các cơ quan thực thi pháp luật, tài chính tiến hành điều tra chống rửa tiền đối với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, băng nhóm ma túy và các nhóm khác.

Phát biểu tại Belem, thành phố cửa ngõ của Brazil vào Amazon, Bộ trưởng Yellen nêu rõ sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bộ tài chính, cơ quan thực thi pháp luật và các thực thể của Mỹ và các nước trong lưu vực Amazon (Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname), đồng thời cải thiện công tác đào tạo nhằm phát hiện các mạng lưới tài chính bất hợp pháp đang hoạt động trong khu vực.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)

Các nỗ lực này có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào những nhóm đứng sau những hoạt động khai thác tự nhiên trái phép trong khu vực, loại những nhóm này khỏi hệ thống tài chính quốc tế.

Bộ trưởng Yellen ước tính các hoạt động khai thác trái phép đã giúp các nhóm này kiếm lời hàng trăm tỷ USD mỗi năm thông qua việc lợi dụng hệ thống tài chính Mỹ.

Bà cho rằng các hành vi này gây mất cân bằng hệ sinh thái của rừng nhiệt đới Amazon, ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng địa phương, cũng như các nền kinh tế trong khu vực.

Mỹ và Brazil sẽ tổ chức cuộc họp trong vài tháng tới để đề ra ưu tiên của các nước. Bộ Tài chính Mỹ sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo về theo dõi các vụ rửa tiền, nhằm tăng năng lực điều tra của các nước.

Cơ quan này cũng sẽ phối hợp điều tra với các nước đối tác về các vụ khai thác trái phép, từ đó bảo vệ tính minh bạch của hệ thống tài chính quốc tế, ngăn chặn mối đe dọa chính của đa dạng sinh học.

Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, bao phủ gần 40% diện tích Nam Mỹ. Trong thế kỷ qua, khu rừng này đã mất khoảng 20% diện tích do nạn phá rừng, hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, khai thác gỗ và khai khoáng và đô thị hóa.

Tuấn Khang (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích