Hội thảo thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà ở và công trình
(Xây dựng) – Ngày 26/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp cùng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) và trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Thực hiện quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD cho nhà ở và công trình.
TS. Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo. |
Theo đó, QCVN 06 được Bộ Xây dựng ban hành ngày 30/11/2022, có hiệu lực từ ngày 16/1/2023. Tuy nhiên, sau khi ban hành, nhiều đơn vị, cá nhân đã gặp phải vướng mắc khi áp dụng QCVN 06. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sau thời gian nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của QCVN 06 đảm bảo cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn. Ngày 16/10/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BXD ban hành Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, quy chuẩn này có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2023.
TS. Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo. |
Tại buổi hội thảo, các đại biểu tham dự đã được phổ biến những nội dung sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD. Cụ thể, nội dung sửa đổi đã bổ sung một số vấn đề kỹ thuật đảm bảo an toàn cháy, có tính đến đặc thù của các công trình và tính nguy hiểm cháy của công năng sử dụng, bổ sung nhiều giải pháp phù hợp để các chủ đầu tư, đơn vị lựa chọn. Theo đó, các nhà ở riêng lẻ, nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chiều cao dưới 7 tầng (thuộc chiều cao dưới 25m), có ít hơn một tầng hầm có khối tích nhỏ hơn 5.000m3 được biên soạn nội dung riêng về phòng cháy chữa cháy, nằm trong Tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ – yêu cầu chung về thiết kế. Ngoài ra, sửa đổi 1:2023 cũng giảm bớt thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và rõ hơn cho các địa phương về quyền ban hành các quy định địa phương thay thế một số yêu cầu QCVN 06:2022/BXD, ví dụ như các quy định về đường giao thông cho xe chữa cháy, cấp nước chữa cháy… Các nội dung kỹ thuật về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao được bổ sung thêm các yêu cầu an toàn cháy cụ thể gắn với các đối tượng theo tính nguy hiểm cháy và thực tiễn xây dựng ở Việt Nam, trên nguyên tắc là không hạ thấp các yêu cầu an toàn cốt lõi.
Đồng thời, bổ sung hoặc sửa đổi một số thuật ngữ chuyên ngành; làm rõ hơn, thu hẹp phạm vi theo hướng đồng bộ với các quy định của Nghị định 136/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy (sửa đổi)…
Đặc biệt, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã dành thời gian thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để làm rõ, nắm vững và triển khai áp dụng Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD một cách hiệu quả nhất. Các ý kiến tại hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ các vướng mắc khi áp dụng QCVN 06 các phiên bản trước đây. Qua đó sẽ liên tục được nghiên cứu, cập nhật để theo kịp thực tiễn các công nghệ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư giảm chi phí và đảm bảo an toàn cháy cho người, công trình xây dựng.
Tại Hội thảo còn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm vật liệu phòng cháy trong xây dựng. |
Hội thảo đã quy tụ đông đảo các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng, trong đó có Công ty TNHH sản xuất thương mại đầu tư Sơn Việt – đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sơn chống cháy. Với sản phẩm đã đạt chuẩn QCVN 06:2022/BXD, Công ty TNHH sản xuất thương mại đầu tư Sơn Việt đã khẳng định vị thế dẫn đầu và cam kết mang đến những giải pháp bảo vệ tối ưu cho các công trình công nghiệp. Bên cạnh các hoạt động hội thảo, khách mời còn có dịp tham quan các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm vật liệu phòng cháy trong xây dựng.
Nguồn: Báo xây dựng