‘Gieo mầm’ kiến thức về năng suất, chất lượng đến sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên
Tham gia chương trình, về phía Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban; ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh văn phòng Ủy ban; bà Nguyễn Thu Hiền – Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam; đại diện Đoàn Thanh niên Ủy ban và một số đơn vị liên quan.
Về phía Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên có PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. TS. Dương Phạm Tường Minh – Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Trưởng khoa Cơ Khí; TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Quản lý người học và Thông tin Thư viện; lãnh đạo các khoa chuyên môn và hơn 200 sinh viên đại diện cho hơn 8.000 sinh viên toàn trường.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ sự vui mừng khi phối hợp cùng Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tổ chức tọa đàm. Đây được xem là một trong những bước đầu quan trọng giúp sinh viên tiếp cận vấn đề năng suất chất lượng thông qua sự phân tích, giảng giải của các chuyên gia đầu ngành.
“Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên được thành lập ngày 19/8/1965. Với bề dày lịch sử, Trường là cơ sở uy tín đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tôi tin tưởng rằng tọa đàm hôm nay là cơ hội lớn giúp các em sinh viên nâng cao hiểu biết về năng suất, chất lượng, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên nói riêng và các trường đại học, cao đẳng trên cả nước nói chung”, PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Tại chương trình, TS. Hà Minh Hiệp đã có bài trình bày “Tổng quan về năng suất chất lượng”. Đây là nội dung nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ phía sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên.
TS. Hà Minh Hiệp với vai trò là người đứng đầu Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, là chuyên gia trong lĩnh vực năng suất chất lượng. Mới đây, ông Hiệp vinh dự giành giải thưởng Cá nhân Ưu tú và Xuất sắc khu vực (APO Meritorious and Distinguished Award) trong phong trào Năng suất của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO). Bài trình bày của ông Hiệp vừa mang tính khái quát cao về các vấn đề căn cốt của năng suất chất lượng, vừa mang tính chi tiết, dễ hiểu thông qua các ví dụ giúp sinh viên có được hình dung rõ ràng.
Trong phần trình bày, ông Hiệp đã đưa ra một số nội dung cơ bản như: Hiểu thế nào là năng suất chất lượng; Nhận thức về sự lãng phí; Động cơ thúc đẩy năng suất; Tiến hóa năng suất trong cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp;… “Năng suất là vấn đề sống còn và cần thực hiện thường xuyên, liên tục, như một cuộc chạy marathon không có vạch đích”, TS. Hà Minh Hiệp nhận định.
Chia sẻ với phóng viên, sinh viên Lê Sỹ Thiện – Lớp 56CND-DT02 cho biết: “Em lắng nghe và bị lôi cuốn vào bài giảng. Đây là lần đầu em được nghe giảng trực tiếp về năng suất, chất lượng. Em nghĩ rằng nếu có thêm những lớp học về vấn đề này chắc chắn sẽ rất nhiều bạn sinh viên quan tâm”.
Cũng tại chương trình, ông Phạm Lê Cường đã có bài trình bày “Giới thiệu chương trình cho sinh viên về năng suất chất lượng trong năm 2024”. Ông Cường cho biết, thời gian qua, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã phối hợp nhiều trường đại học, cao đẳng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam tổ chức chương trình tọa đàm về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất chất lượng trong các trường đại học nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên.
Một số trường có thể kể đến như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Thủy lợi; Học viện Tài chính; Trường Đại học bách khoa TP. HCM; Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. HCM; Trường Đại học ngoại thương cơ sở 2; Trường Cao đẳng Công thương miền Trung; Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế;… cùng nhiều trường đại học, cao đẳng khác trên khắp cả nước.
Chương trình kết thúc với buổi thảo luận giữa sinh viên, diễn giả và các chuyên gia. Nhiều câu hỏi được sinh viên đưa ra và các diễn giả, chuyên gia trực tiếp trả lời mang đến không khí hào hứng và sôi động.
Đây cũng là không khí chung tại nhiều trường đại học khi sinh viên được trở thành chủ thể chính đưa ra câu hỏi cho các chuyên gia, kéo gần khoảng cách giữa những người làm chính sách với lực lượng lao động “vàng” của xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hiện nay.
Ngọc Xen