Nửa đầu năm 2024, Masan mang về 214 tỷ đồng mỗi ngày
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group – mã MSN) đã công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán của quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 20.134 tỷ đồng, tăng 8,2% so với mức cùng kỳ năm ngoái, nhờ kết quả kinh doanh khả quan ở các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi. EBITDA đạt 3.823 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Masan Group, kết quả tích cực này được thúc đẩy bởi sự phục hồi của Techcombank (TCB) và Masan High-Tech Materials (MHT – mã MSR). Trong khi đó, tất cả các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi đều duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số đạt 503 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng 378,6% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn con số đạt được cả năm 2023. Đây là thành quả của sự cải thiện xuyên suốt các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ, sự phục hồi của các hoạt động/mảng không cốt lõi và chi phí tài chính ròng giảm 138 tỷ đồng.
Khách hàng mua sắm nhộn nhịp dịp cuối tuần tại siêu thị WinMart.
“Masan Consumer tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng hai con số cho cả doanh thu và lợi nhuận, đồng thời các nền tảng tiêu dùng khác của chúng tôi cũng đạt mức sinh lời bền vững – WinCommerce đã mang về lợi nhuận trong tháng 6 và Masan MEATLife ghi nhận lợi nhuận hoạt động (“EBIT”) dương quý thứ hai liên tiếp. Chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024, tăng trưởng trong cả ngắn hạn và trung hạn để tạo ra giá trị vượt trội cho cổ đông của công ty.” – Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch MSN chia sẻ.
Thời điểm cuối quý 2/2024, tiền và tương đương tiền của Masan Group tăng lên 21.977 tỷ đồng, so với mức 16.919 tỷ đồng hồi đầu năm do dòng tiền tự do và dòng tiền đến từ các hoạt động tài chính của doanh nghiệp được cải thiện. Dòng tiền tự do 12 tháng gần nhất tăng lên 7.429 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, Masan Group đã đạt hơn 60% kế hoạch LNST cả năm theo kịch bản cơ sở được cổ đông phê duyệt vào đầu năm. Ban lãnh đạo sẽ tiếp tục tối ưu hóa kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm 2024 và dự kiến vượt mục tiêu cả năm với các phát kiến chiến lược.
Tiếp tục tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi. Tối ưu hóa chương trình Hội viên WiN để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và các thương hiệu đối tác của Masan. Giảm đòn bẩy tài chính hơn nữa để cải thiện bảng cân đối kế toán và giảm chi phí tài chính. Giảm sở hữu ở các mảng kinh doanh không cốt lõi trong khi vẫn duy trì chiến lược phân bổ vốn chặt chẽ.
Khách mời hào hứng trải nghiệm sản phẩm Phở Story tại ĐHĐCĐ Masan 2024.
Đối với Masan Consumer (MSC), mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu trong nửa cuối năm 2024 bằng cách tiếp tục thực hiện các phát kiến chiến lược và cao cấp hóa, đồng thời luân chuyển các SKU hoạt động kém hiệu quả để tối ưu hóa lợi nhuận.
Trong khi đó, WinCommerce (WCM), tiếp tục tập trung vào mục tiêu đạt điểm hòa vốn LNST bằng cách đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng LFL lên 8-9% so với cùng kỳ, đồng thời tăng tốc độ mở cửa hàng để đạt ~100 cửa hàng mới mỗi quý. WCM sẽ tiếp tục tăng cường vị thế ở khu vực nông thôn với mô hình WinMart+ Rural.
Riêng, Masan MEATLife (MML), đầu tư thêm vào nguồn lợi nhuận dài hạn từ mảng thịt chế biến để đạt được lợi nhuận bền vững.
Còn về Phúc Long Heritage (PLH), cải thiện sự tăng trưởng LFL và tham gia vào chương trình hội viên WiN để nâng cao biên lợi nhuận.
Cuối cùng, Masan High-Tech Materials (MHT), hoàn tất thương vụ bán HCS để giảm đòn bẩy tài chính và ghi nhận khoản lợi nhuận một lần, đồng thời tiếp tục tối ưu hóa chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Kim Thoa