Chế tạo thành công bánh xe ô tô có khả năng thay thế lốp cao su

Global Air Cylinder Wheels (GACW), một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại bang Arizona (Mỹ) đã phát triển một loại bánh xe ô tô mới giúp loại bỏ nhu cầu sử dụng lốp cao su gây ô nhiễm. Sản phẩm được hình thành từ ý tưởng của Tiến sĩ Zoltan Kemeny.

Phát minh về Bánh xe Treo Khí nén (ASW) của GACW đã được cấp bằng sáng chế là loại bánh xe cơ khí, được cấu tạo chủ yếu bằng thép với hệ thống treo khí nén trong bánh xe thông qua các xi-lanh. Sản phẩm từ sáng chế được cho là vừa thân thiện với môi trường vừa tiết kiệm chi phí. ASW được thiết kế có cùng tuổi thọ với chiếc xe mà nó phục vụ. Sau đó, không giống như lốp cao su, nó có thể được phục hồi hoặc tái chế hoàn toàn.

GACW hiện đang tập trung vào thị trường lốp xe công trình (OTR) khai thác mỏ trị giá 30 tỉ USD. Lốp xe OTR cao su dùng trong ngành khai thác mỏ rất đắt, một chiếc lốp điển hình nặng 3 tấn có thể tốn kém 75.000 USD cho thời gian sử dụng chỉ từ 6-9 tháng. Đó là khoản chi phí lớn cho một sản phẩm không tồn tại lâu dài. Trong khi đó, lốp ASW tồn tại lâu bền cùng với chính chiếc xe và do đó tiết kiệm đến 60% chi phí.

Loại bánh xe mới có nhiều ưu điểm hơn lốp cao su.

Một tính năng chính khác của ASW là giảm đáng kể kháng cự lăn. Điều này sẽ làm cho động cơ đốt cháy hiệu quả hơn và giảm lượng khí thải. Đối với các ô tô điện, như Tesla, điều này có nghĩa là phạm vi lái xe có thể được mở rộng lên đến 30% trên cùng một loại pin, đây là một tỉ lệ rất đáng kể. Lốp OTR cao su cũng gây rủi ro mất an toàn khi các vụ nổ thường xảy ra. Nhưng với ASW, việc lốp quá nóng và nổ đã trở thành dĩ vãng.

Dự kiến, loại bánh xe mới này sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp khai thác mỏ. Bánh xe ASW cũng sẽ khó bị kẻ xấu phá hoại, thậm chí có thể sử dụng làm tấm chắn đạn cho các loại xe quân sự.

Được biết, trong ngành công nghiệp khai thác, hầu hết lốp xe cao su không được tái chế. Khi hết tuổi thọ tự nhiên, lốp xe OTR cao su thường được đốt hoặc chôn dưới đất vì việc tái chế rất phức tạp, nguy hiểm và tốn kém. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng ước tính rằng lốp xe chiếm tới 10% tổng chất thải vi nhựa trong các đại dương trên thế giới. Một báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế thậm chí còn ước tính con số này lên tới 28%. Trong khi đó, lốp ASW có thể tái chế 100%.

Ban đầu, GACW nhắm mục tiêu vào lĩnh vực lốp xe công trình, nhưng công ty cũng đã có kế hoạch tham gia vào thị trường lốp xe toàn cầu rộng lớn hơn rất nhiều. Hiện tại họ không có bất kỳ đối thủ nào trong lĩnh vực OTR toàn cầu. Ngoài thị trường này, công nghệ ASW có thể được áp dụng cho tất cả các loại xe hiện đang sử dụng lốp cao su truyền thống, trị giá ước tính 322 tỷ USD vào năm 2022.

Kết cấu của bánh xe ASW với các trụ xi-lanh bên trong.

Cho đến nay, GACW đã huy động được 3 triệu USD và sở hữu 4 bằng sáng chế, cùng với 13 bằng sáng chế khác đang chờ xét duyệt. Công ty cũng đang thử nghiệm nhiều sản phẩm ASW với các đối tác khai thác mỏ, với thời gian đánh giá từ 6-12 tháng. Từ năm 2022, họ dự định tăng cường sản xuất các sản phẩm lốp ASW và dự kiến thương mại hóa hoàn toàn lốp xe mới này vào năm 2023.

Trong bối cảnh các chính phủ trên toàn cầu đang gây áp lực ngày càng lớn lên các nhà sản xuất lốp xe về vấn đề thải bỏ sản phẩm cũ, GACW cho biết đây là thời điểm vàng để các sản phẩm của công ty được ngành công nghiệp này chấp nhận. Các công ty như Caterpillar, Hitachi hoặc Volvo, Komatsu có thể trở thành đối tác hoặc khách hàng trong tương lai của GACW.

Công ty cho biết: “Bánh xe treo khí nén của chúng tôi là một lựa chọn hiệu quả và khả thi cho lốp xe cao su. Chúng tiết kiệm chi phí hơn tới 60%, an toàn hơn và tốt hơn cho môi trường so với lốp cao su”.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích