Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp nâng cao giá trị nông sản bằng các nền tảng số
Cùng với một số kết quả triển khai TXNG những năm gần đây thông qua các đề tài nghiên cứu, hoạt động này đã tác động trực tiếp đến việc triển khai, áp dụng và quản lý TXNG một cách thống nhất. Đây chính là giải pháp nâng cao giá trị, thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản bằng các nền tảng số. Giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, quản lý về nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Góp phần thiết thực cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.
Chú trọng truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị nông sản địa phương
Tại Bình Dương, việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp được khuyến khích tổ chức theo chuỗi cung ứng nhằm đạt các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu cũng như thị trường trong nước với chất lượng cao, giá trị lớn. Để thực hiện tốt điều này cần lưu lại thông tin của quá trình sản xuất, vận chuyển các sản phẩm trong chuỗi và cho phép truy cập thông tin một cách nhanh chóng khi cần. Đó chính là yêu cầu cơ bản của TXNG.
Các sản phẩm hàng hóa của tỉnh ngày càng đa dạng phong phú, trong đó sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm nông nghiệp của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm đặc hữu ngày càng được người tiêu dùng trong cả nước biết đến như: các loại trái cây có múi, dưa lưới, rau các loại, các sản phẩm sơn mài, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ… Để đánh giá OCOP thì các sản phẩm này đều có thêm chỉ tiêu về truy xuất nguồn gốc. Căn cứ vào tình hình thực tế cũng như nhu cầu tại địa phương sẽ thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau ăn lá, dưa lưới, bưởi trước khi triển khai đại trà trên các sản phẩm khác trong các giai đoạn tiếp sau.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi Bạch Đằng.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường. Đồng thời, tiếp tục tập huấn tuyên truyền các chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu nông sản, chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng có lợi thế. Mặt khác, tăng cường nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển giao các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc bằng hệ thống NBC-Trace
Để phục vụ các yêu cầu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 2977/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề tài “Nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương” cho Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia, thời gian thực hiện đến 30/6/2024. Đề tài này hướng đến việc nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ nhằm kiểm soát thông tin sản phẩm, hàng hóa trong quản lý và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Để thực hiện cho dự án thí điểm này, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã đề xuất sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc NBC-Trace do Trung tâm đang vận hành. NBC-Trace được coi là giải pháp quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc, cầu nối thông tin minh bạch cho sản phẩm, hàng hóa.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc NBC-Trace được đánh giá là phù hợp tiêu chuẩn Truy xuất nguồn gốc quốc tế, được xây dựng phù hợp tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu GS1, hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, hệ thống cho phép tùy biến theo nhu cầu quản lý sản xuất của khách hàng. Đồng thời, NBC-Trace có khả năng tích hợp với hệ thống quản lý thông tin mã số, mã vạch sản phẩm, hệ sinh thái các đơn vị tham gia chuối cung ứng sản phẩm, hàng hóa.
Theo chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, NBC-Trace là hệ thống truy xuất nguồn gốc cơ bản, tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc gia, giúp cho các tổ chức doanh nghiệp có căn cứ để xây dựng hệ thống phù hợp, thống nhất, tiết kiệm chi phí trong đầu tư cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó thúc đẩy sự cạnh tranh, tạo ra môi trường lý tưởng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, do đó cắt giảm chi phí cho nghiên cứu và phát triển. Tại Bình Dương, Hệ thống truy xuất nguồn gốc NBC Trace được triển khai cho các hộ sản xuất/doanh nghiệp: Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Dưa lưới); Hợp tác xã chăn nuôi Tâm Phát (thịt gà); Cơ sở chăn nuôi gia cầm Lê Văn Dương (trứng gà); Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng (Bưởi); Công ty TNHH Bean Family (rau ăn lá).
Các kết quả đạt được đáp ứng yêu cầu đặt ra, phù hợp thực tiễn áp dụng và có tính mở để phát triển trong tương lai với hơn 50.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các loại sản phẩm thí điểm được đưa tới tay người tiêu dùng. Việc thí điểm này mang lại sự đổi mới cho thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thị trường mới và gia tăng kiến thức, niềm tin của người tiêu dùng.
Tập huấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở tại Bình Dương.
Thông qua việc triển khai, áp dụng Hệ thống NBC – Trace cho 05 cơ sở/doanh nghiệp sẽ trở thành mô hình thí điểm được đưa vào áp dụng rộng rãi, đóng góp thiết thực vào việc phát triển hệ thống TXNG thống nhất và hiệu quả, tạo nền tảng, niềm tin và động lực để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hoạt động TXNG, nhằm đáp ứng ngày càng nhiều các thị trường trong nước và xuất khẩu, phát triển kinh tế địa phương.
Đại diện Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia cho biết, đơn vị này đã đề xuất tỉnh Bình Dương tiếp tục thí điểm và mở rộng phạm vi triển khai hệ thống sang các sản phẩm khác. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương nghiên cứu và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có các chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới.
Hệ thống NBC Trace hiện đã được một số địa phương sử dụng cho các dự án/nhiệm vụ thí điểm tương tự đã/đang thực hiện như: cà phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai, 2021), gạo Phú Thiện (Gia Lai, 2021), rau An Khê (Gia Lai, 2021), 15 doanh nghiệp (Lạng Sơn, 2022-2025), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang, 2022), nước mắm Cát Hải (Hải Phòng, 2023), 43 sản phẩm OCOP của 15 doanh nghiệp (Hải Phòng, 2023-2024).
Kim Anh