Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh
Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh
Ngày 23/7, PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng có Công văn số 10549/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể: Thực hiện Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu và kiểm soát tốt, phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong do bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người theo Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 04/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; Phối hợp ngành Y tế trong hoạt động tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thấp; Phối hợp ngành Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch và điều trị kịp thời; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; Bảo đảm hậu cần, thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm 04 tại chỗ; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh bạch hầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sở Y tế: Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn, phát hiện sớm, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ ngành y tế trong giám sát, chẩn đoán, điều trị và thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế; đồng thời triển khai ngay các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong; Đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn đạt tỉ lệ bao phủ vắc xin cao theo kế hoạch; tăng cường rà soát các đối tượng chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đầy đủ các vắc xin có thành phần bạch hầu, nhất là các đối tượng tiêm chủng ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế để tổ chức tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại các khu vực có nguy cơ và các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện tốt công tác thống kê, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế; Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống bệnh bạch hầu đảm bảo sát với điều kiện thực tế, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ; tổ chức theo dõi sức khoẻ của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời. Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh.
Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với ngành y tế tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch; Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cung cấp thông tin để người dân nâng cao hiểu về bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng bệnh nhất là phòng bệnh đặc hiệu bằng tiêm phòng vắc xin để người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm chủng phòng bệnh.
Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Phối hợp với Sở Y tế để tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn tới người dân về bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường tuyên truyền về các biện pháp, phòng, chống bệnh bạch hầu và lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo đối tượng tiêm được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đang triển khai tại địa phương; Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch và điều trị kịp thời, không để lây lan ra diện rộng; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh bạch hầu và các dịch bệnh khác trên địa bàn, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; Bố trí nguồn kinh phí triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành để đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm 04 tại chỗ.
Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức, đoàn thể các cấp: Đẩy mạnh tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng theo khuyến cáo của ngành y tế, tăng cường vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch để phòng bệnh.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung nêu trên; định kỳ và đột xuất gửi báo cáo về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế theo quy định.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị