Lâm Đồng: Đơn kêu cứu về việc xin xem xét cứu công trình hàng trăm tỷ sắp bị cưỡng chế

(Xây dựng) – Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kêu cứu của Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL (gọi tắt là Công ty) kèm theo một số tài liệu trong đó có văn bản thông báo, về việc thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm do UBND thành phố Đà Lạt ban hành, kèm theo kế hoạch cưỡng chế với tổng kinh phí là 32 tỷ 265 triệu đồng. Vì sao lại có thông báo này?

Lâm Đồng: Đơn kêu cứu về việc xin xem xét cứu công trình hàng trăm tỷ sắp bị cưỡng chế
Ảnh phối cảnh dự án

Qua nghiên cứu các tài liệu do Công ty gửi đến chúng tôi được biết: Công ty được Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp Giấy phép đầu tư số 222/GP ngày 08/8/1991 theo luận chứng kinh tế ngày 4/6/1991, trong đó bao gồm hạng mục xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf hiện nay. Sân golf được triển khai trong 3 giai đoạn, công tác xây dựng dãy 9 lỗ đầu tiên và tân trang trụ sở câu lạc bộ hiện có sẽ triển khai sớm và phải hoàn thành trong vòng năm đầu. Dãy 9 lỗ kế tiếp sẽ bắt đầu xây dựng ngay khi dãy 9 lỗ đầu tiên hoàn tất. Cuối cùng là xây dựng trụ sở câu lạc bộ mới để hoàn thành sân golf 18 lỗ theo luận chứng kinh tế được duyệt.

Việc xây dựng sân golf cũng đã được một số Bộ, ngành thống nhất, năm 1993, UBND tỉnh Lâm Đồng và các Sở, ngành liên quan đã phê duyệt tổng mặt bằng xây dựng sân golf 18 lỗ tỷ lệ 1/1000, trong đó có thể hiện vị trí quy hoạch xây dựng 1 tòa nhà câu lạc bộ mới thay thế cho câu lạc bộ cũ. Công ty đã tiến hành đầu tư hoàn chỉnh đưa sân golf 18 lỗ vào hoạt động từ năm 1995.

Ngày 27/5/1996, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 528/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của sân golf Đà Lạt, trong đó có nội dung đánh giá tác động môi trường của hạng mục công trình tòa nhà câu lạc bộ golf.

Để tiến hành xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf, ngày 11/8/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 5667/UBND-QH, về việc chấp thuận chủ trương và các chỉ tiêu xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf. Trên cơ sở các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch do UBND tỉnh phê duyệt; tiếp đó, tháng 11/2022, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt tổng mặt bằng xây dựng tỷ lệ 1/500 tòa nhà câu lạc bộ sân golf.

Ngày 01/12/2022, Sở Xây dựng có Văn bản 2662/SXD-QHKT về việc cung cấp thông tin, vị trí, diện tích xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf. Trong văn bản này, Sở Xây dựng đã khẳng định về vị trí: Căn cứ tổng mặt bằng sân golf 18 lỗ được UBND tỉnh phê duyệt năm 1993 thì vị trí xin đầu tư xây dựng công trình tòa nhà câu lạc bộ golf là phù hợp với quy hoạch. Về quy mô xây dựng công trình: Công ty đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất với tổng diện tích xin chuyển đổi mục đích là 15.670m2 (trong đó diện tích công trình có mái che là 6.120m2 (khối tiếp đón, khối dịch vụ golf 1, 2) là phù hợp với diện tích xây dựng đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Văn bản số 5667/UBND-QH ngày 01/8/2022.

Ngày 06/12/2022, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã có Thông báo số 186/SXD-QLXD, về việc thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi khối dịch vụ golf 1 thuộc dự án tòa nhà câu lạc bộ golf.

Ngày 12/01/2023, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy phép xây dựng số 02/GPXD, cho phép xây dựng một phần tầng hầm khối dịch vụ golf (ký hiệu 01) thuộc tòa nhà câu lạc bộ golf. Tiếp đó, Công ty đã hoàn thành nhiều thủ tục để trình Sở Xây dựng xin cấp giấy phép xây dựng toàn bộ công trình.

Nhìn chung, toàn bộ hồ sơ thiết kế của tòa nhà dịch vụ sân golf được thiết kế theo đúng các chỉ tiêu kiến trúc, mà UBND tỉnh ban hành và được Sở Xây dựng thẩm định và hoàn toàn có đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng câu lạc bộ sân golf. Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến quyết định phá dỡ công trình?

Qua các hồ sơ tài liệu cho thấy, “nút thắt” chính của vấn đề ở đây là sự “bất nhất” của một số ngành và UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc 29,59ha rừng thông trồng năm 1993 trong sân golf Đà Lạt có phải là rừng phòng hộ hay không? Riêng vấn đề này, mỗi báo cáo có một ý kiến khác nhau và chính điều này đã gây khó khăn trong việc cấp phép xây dựng cho câu lạc bộ sân golf.

Cũng vấn đề này, ngày 20/7/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 4134/UBND-NN, về việc chuyển diện tích 29,59ha trồng thông năm 1993 trong sân golf Đà Lạt đạt tiêu chí thành rừng và rừng phòng hộ nội đô Đà Lạt. Nhưng rồi ngày 12/7/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 5805/UBND-NN, về việc thu hồi hủy bỏ Văn bản 4134/UBND-NN ngày 20/7/2016 của UBND tỉnh. Nghĩa là loại bỏ 29,5ha rừng thông ra khỏi diện tích rừng phòng hộ đô thị. Và trên thực tế, theo báo cáo rà soát của các Sở thì diện tích này không có rừng.

“Nút thắt” ở đây cơ bản đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng không có một sự chỉ đạo nào khác đối với các ngành, đặc biệt là Sở Xây dựng và UBND thành phố Đà Lạt để giải quyết vấn đề phá dỡ công trình, để công trình vẫn trong trạng thái có thể bị phá dỡ bất kỳ lúc nào.

Ngày 16/7/2024, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 16/2024/QĐ-BPKCTT về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quyết định đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp” quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Cụ thể là: Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tòa nhà câu lạc bộ sân golf Đà Lạt…

Đây là một quyết định đúng pháp luật, cũng là cơ hội để UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành chức năng và UBND thành phố Đà Lạt xem xét lại các văn bản trong việc chỉ đạo xây dựng tòa nhà câu lạc bộ sân golf và quyết định cưỡng chế phá dỡ phần câu lạc bộ sân golf đã xây dựng. Với các quyết định phá dỡ nêu trên, có thể hủy hoại nhiều trăm tỷ đồng của doanh nghiệp, cũng như của Nhà nước, đẩy hàng trăm người lao động đi vào con đường thất nghiệp và gây ra nhiều hậu quả pháp lý cho xã hội mà nhiều năm khó giải quyết.

Cũng cần nói thêm, việc đầu tư xây dựng sân golf Đà Lạt nói chung, cũng như xây dựng câu lạc bộ sân golf nói riêng có nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, với các quyết định hành chính của UBND thành phố Đà Lạt ban hành, không những phải đối diện với tòa án của Việt Nam mà còn có thể đối diện với tòa án quốc tế.

Tỉnh Lâm Đồng thường xuyên nằm trong top đầu cả nước về chỉ số GRDP, thế nhưng 6 tháng đầu năm 2024 lại đứng cuối trong 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 58/63 tỉnh thành trên cả nước về GRDP.

Đáng nói hơn là, chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) báo cáo chỉ số PCI năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 9/5/2024 cho thấy, chỉ số PCI năm 2023 tỉnh Lâm Đồng xếp hạng 56/63 tỉnh, thành trên cả nước, giảm 39 bậc so với năm 2022. Điều đó cho thấy việc đầu tư, kêu gọi đầu tư tại tỉnh Lâm Đồng có nhiều vấn đề cần được xem xét, nguyên nhân chính ở đây vẫn là do tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền trong việc cải cách thủ tục hành chính.

Việc ban hành quyết định phá dỡ công trình câu lạc bộ sân golf chẳng khác nào một hành động “xua đuổi” các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Việc xây dựng câu lạc bộ sân golf mặc dù có những sai phạm nhất định, tuy nhiên nếu rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản của các cấp chính quyền cũng như các Sở, ban, ngành của Lâm Đồng, đối chiếu với pháp luật hiện hành về xây dựng có thể tháo gỡ cho doanh nghiệp, công trình có thể tồn tại và tiếp tục xây dựng mà dư luận sẽ đồng tình. Nếu phải phá dỡ thì các cấp chính quyền, các Sở, ngành, phải là những người chịu trách nhiệm trong đó có trách nhiệm về bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật, đối với việc chỉ đạo thông qua các văn bản “bất nhất” để dẫn đến việc sai phạm của chủ đầu tư xây dựng công trình.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích