Quảng Bình: Phòng, chống các loại dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát
Quảng Bình: Phòng, chống các loại dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát
Tình hình thời tiết hiện tại thuận lợi cho sự phát triển của các tác nhân gây bệnh, có nguy cơ khiến dịch bệnh bùng phát.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, hiện nay một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi… trên địa bàn có xu hướng gia tăng. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo ngành Y tế phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong giai đoạn mùa hè. Ngành Y tế tỉnh này triển khai nhiều hoạt động, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống các loại bệnh, tăng cường công tác tiêm chủng.
Cụ thể, đầu tháng 2/2024, tỉnh này ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại tại xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch. Sau nhiều năm, Quảng Bình mới ghi nhận 3 ca bệnh nhi mắc bệnh ho gà tại bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện các biện pháp dập dịch, ngăn chặn dịch bùng phát. Cùng với đó tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine có thành phần ho gà cho những trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm đầy đủ.
Tình hình thời tiết hiện tại tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Dự báo dịch sốt xuất huyết bắt đầu vào giai đoạn cao điểm. Tính đến ngày 22/7, tỉnh này ghi nhận 534 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2023, không có ca nặng và tử vong.
Tất cả 8/8 huyện, thị xã, thành phố đều ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết. Địa phương có số ca mắc cao nhất là huyện Quảng Ninh 133 ca, tăng 7,3 lần so cùng kỳ. Còn Bố Trạch ghi nhận 131 ca, tăng 4,8 lần so cùng kỳ. Thành phố Đồng Hới 107 ca, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Để chủ động kiểm soát, CDC Quảng Bình triển khai giám sát véc tơ, theo dõi chỉ số côn trùng để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn cho các địa phương phòng, chống dịch. Cùng với đó, chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi…
Dù nhiều năm qua Quảng Bình chưa ghi nhận ca mắc bạch hầu nào, nhưng sau khi một số địa phương khác ghi nhận trường hợp mắc, tử vong do dịch bệnh này, nhiều người dân tỏ ra lo lắng. Nhiều phụ huynh đưa con tới các cơ sở tiêm chủng để tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết, từ năm 1985, vaccine phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện chỉ ghi nhận một vài trường hợp mắc bệnh ở vùng sâu, vùng xa do không tiêm vaccine phòng bệnh và tập trung ở độ tuổi dưới 15.
“Người dân không nên hoang mang, lo lắng, không tự ý tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế. Trong trường hợp cần thiết, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, bảo đảm thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều, đúng thời điểm và cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh”, Giám đốc CDC Quảng Bình nhấn mạnh.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu cần cho trẻ tiêm vaccine theo đúng lịch và đầy đủ mũi. Ngoài ra cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bảo đảm không gian nhà ở và lớp học thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị