Quảng Nam: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 23,6%

(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng đã có báo cáo tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 (kỳ tháng 7/2024). Tính đến ngày 30/6, vốn đầu công năm 2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân 2.093.345 triệu đồng, đạt 23,6% so tổng vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh.

Quảng Nam: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 23,6%
Tính đến ngày 30/6, Quảng Nam mới giải ngân được 23,6% kế hoạch vốn năm 2024.

Giải ngân đạt 23,6%, nguyên nhân lớn do không giải phóng mặt bằng được

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được UBND tỉnh giao là 6.906 tỷ đồng, tăng 386 tỷ đồng so với kế hoạch vốn Thủ tướng giao đầu năm 2023, đồng thời thực hiện chuyển nguồn sang năm 2024 đối với nguồn ngân sách Trung ương khen thưởng vượt thu năm 2022 là 150 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư công năm 2024 là 8.884 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 7.056 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.194 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.861 tỷ đồng); kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 1.827 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm báo cáo, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã phân bổ là 6.559 tỷ đồng, đạt 93%. Trong đó: Ngân sách tỉnh 4.395 tỷ đồng (đạt 90,4%); 2.164 tỷ đồng (đạt 98,6%).

Kế hoạch vốn năm 2024 còn lại chưa phân bổ là 497 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 30.929 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh 466 tỷ đồng.

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh tại Báo cáo số 358/BC-KBQN ngày 9/7/2024, tính đến hết ngày 30/6/2024, vốn đầu công năm 2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân 2.093 tỷ đồng, đạt 23,6% so tổng vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân 1.654 tỷ đồng, đạt 23,4%; kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 438 tỷ đồng, đạt 24%.

Báo cáo chỉ rõ việc giải ngân đạt tỷ lệ thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó khó khăn lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng do nhiều nguyên nhân như việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn do lịch sử quản lý đất đai; đơn giá bồi thường nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng, con vật nuôi tại một số khu vực, vị trí chưa sát với thực tế; tại một số vị trí, người dân yêu cầu chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung; lực lượng làm công tác giải phóng mặt bằng hạn chế, kinh phí cho hoạt động thấp, tính chất công việc khó khăn, phức tạp; một số địa bàn trọng điểm không đủ cán bộ địa chính; công tác thẩm định, phê duyệt bản đồ trích đo địa chính chậm…

Ngoài ra, nguyên nhân khác do Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, tuy nhiên đến ngày 27/02/2024 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đấu thầu, vì vậy những tháng đầu năm 2024 việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung.

Nguồn thu sử dụng đất được Thủ thướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Nam là 2.700 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh đưa vào cân đối là 1.072 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn thu tiền sử dụng đất không mấy khả quan, khả năng sẽ không thu được so với dự toán được giao (đến nay, thực tế nguồn thu sử dụng đất toàn tỉnh chỉ thu được khoảng 426,358 tỷ đồng, trong đó: Cấp tỉnh hơn 80 tỷ đồng, cấp huyện 346,284 tỷ đồng), vì vậy không có nguồn vốn để phân bổ và giải ngân.

Đối với các dự án sử dụng ngân sách Trung ương chuyển tiếp phải hoàn thành năm kế hoạch (năm 2024), theo quy định phải bố trí đủ vốn cho dự án từ đầu năm. Dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp các dự án này có tỉ lệ giải ngân chậm vẫn không thể thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2024 để chuyển sang các dự án khác có tỉ lệ giải ngân tốt.

Đơn giá vật liệu xây dựng trong thời gian vừa qua biến động (tăng) quá lớn, nguồn cung hạn chế, nhất là đất đắp và cát xây dựng, không đáp ứng nhu cầu để triển khai thi công của hầu hết các dự án.

Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài do công tác xem xét và chấp thuận của nhà tài trợ đối với các thủ tục đầu tư lâu (thông thường mỗi ý kiến không phản đối ít nhất 30 ngày) nên công tác giải ngân rất chậm.

Phải thực hiện điều chỉnh quy mô, hướng tuyến dự án nhằm tăng hiệu quả đầu tư dự án, việc này phải lấy ý kiến các cơ quan liên quan (Bộ Giao thông vận tải; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Công ty Truyền tải điện II…) nên đến nay dự án mới đang giai đoạn lựa chọn nhà thầu xây lắp.

Quảng Nam: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 23,6%
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị rà soát từng dự án để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Rà soát từng dự án để đẩy mạnh giải ngân vốn

Trước những khó khăn đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, Đảng, chính quyền trong quản lý, điều hành và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Nâng cao năng lực phân tích, lập kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án.

Các đơn vị trực tiếp triển khai kế hoạch đầu tư công phải chủ động rà soát, thông tin kịp thời, chính xác về khó khăn, vướng mắc để các cơ quan quản lý có chính sách, giải pháp nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các chủ đầu tư chủ động trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng hoàn thiện, thống nhất trong công tác triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó giải pháp cấp thiết nhất là chủ động kiểm tra, rà soát công tác giải ngân của từng dự án cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án đảm bảo khối lượng, có thể giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn bổ sung trong nội bộ của từng đơn vị hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm để điều chuyển cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn.

Tập trung nguồn lực, ưu tiên phân bổ đủ vốn để triển khai hoàn thành trước công tác giải phóng mặt bằng của các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích