Ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay tại Singapore
Ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay tại Singapore
Các ca mắc sốt xuất huyết tại Singapore gia tăng đột biến do thời tiết ấm và ẩm hơn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sống, và nhiều người bị muỗi mang mầm bệnh đốt khi họ làm việc tại nhà.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA), quốc đảo này đã ghi nhận 267 ca mắc sốt xuất huyết từ ngày 14 – 22/7, nâng tổng số ca mắc trong năm nay lên 10.141 ca. Đáng báo động, con số này đã vượt qua mốc 10.000 ca, cao hơn số ca ghi nhận trong cả năm 2023.
Báo cáo cho biết tổng số ca mắc sốt xuất huyết năm 2023 ở nước này là là 9.949 ca, thấp hơn nhiều so với 32.173 ca năm 2022. Đầu tháng 3 năm nay, NEA đã cảnh báo nguy cơ gia tăng các ca sốt xuất huyết sau khi chứng kiến số ca mắc bệnh này tăng vọt trước mùa sốt xuất huyết cao điểm truyền thống từ tháng 5 đến tháng 10.
NEA cho rằng con số này có thể tăng lên trong những tháng tới, do quần thể muỗi Aedes aegypti ở đây rất cao và khả năng miễn dịch của người dân với bệnh sốt xuất huyết thấp.
Tính đến ngày 22/7, Singapore đã ghi nhận 70 cụm sốt xuất huyết. Trong đó có 10 cụm cảnh báo đỏ, là những khu vực có nguy cơ cao với 10 ca bệnh trở lên.
Sự gia tăng đột biến này được cho là do một số yếu tố, bao gồm điều kiện ấm hơn và ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sống, cũng như việc nhiều người bị muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết đốt khi họ làm việc tại nhà.
Người dân, đặc biệt là những người sống trong vùng lưu hành sốt xuất huyết, có thể phòng ngừa sốt xuất huyết bằng cách phun thuốc diệt côn trùng ở những góc tối quanh nhà, thường xuyên sử dụng thuốc xua đuổi côn trùng và mặc áo dài tay, quần dài.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2023, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết toàn thế giới đã tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua. Kể từ đầu năm ngoái, dịch sốt xuất huyết không ngừng lây lan với số ca mắc cao kỷ lục (5 triệu ca) và hơn 5.000 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết được ghi nhận tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị