Cơ sở pháp lý của dự thảo Nghị định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

Thực hiện Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2016 quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (sau đây gọi là dự thảo Nghị định).

Về cơ sở chính trị, pháp lý của việc xây dựng dự thảo Nghị định, theo Bộ Y tế, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định mục tiêu không ngừng phấn đấu nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Nghị quyết đưa ra một trong các giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân là: “Khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị của người Việt. Các sản phẩm, thực phẩm đóng gói phải có đầy đủ thông tin về thành phần, năng lượng, cảnh báo về sức khoẻ trên bao bì. Triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, người cao tuổi”.

Để thực hiện được các chỉ tiêu về dinh dưỡng của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong đó giao Bộ Y tế “chủ trì triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về dinh dưỡng theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong đó tập trung …rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về dinh dưỡng trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”.

 Ảnh minh hoạ

Điểm b Khoản 2 Điều 7 Luật an toàn thực phẩm quy định “Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng mà thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”, trên cơ sở nội dung giao tại Luật, sau khi nghiên cứu, đánh giá và căn cứ vào thực tiễn về tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở cộng đồng tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Ngày 15/5/2018, trên cơ sở ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng: (i) bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” tại điểm a Khoản 1 Điều 6; (ii) bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại điểm b Khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm đã bãi bỏ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, theo đó bãi bỏ quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; sửa đổi trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; thực tiễn cũng đã xuất hiện thêm mô hình Sở An toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số quy định tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP đến nay đã không còn phù hợp.

Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, Bộ Y tế thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 6 phải căn cứ vào tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng của người dân theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 Luật an toàn thực phẩm, đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm (Nghị định số 15/2018/NĐ-CP), nên việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP là cần thiết.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích