Tiêu chuẩn OCS xác minh hàm lượng nguyên liệu hữu cơ trong sản phẩm dệt may
Tiêu chuẩn OCS nhằm xác minh sự hiện diện và hàm lượng nguyên liệu hữu cơ có trong một thành phẩm. Ảnh minh họa.
Tiêu chuẩn thành phần hữu cơ OCS (Organic Content Standard) được áp dụng cho các sản phẩm (không bao gồm thực phẩm) có chứa từ 5% đến 100% nguyên liệu hữu cơ. Nói cách khác, đây là tiêu chuẩn nhằm xác minh sự hiện diện và hàm lượng nguyên liệu hữu cơ có trong một thành phẩm.
Mặt khác, tiêu chuẩn OCS còn giúp theo dõi hành trình của nguyên liệu thô từ nguồn cho đến thành phẩm. Quy trình này sau đó được chứng nhận bởi một bên thứ ba được công nhận.
OCS là bộ tiêu chuẩn quốc tế mang tính tự nguyện được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực dệt may hiện nay. Giấy chứng nhận OCS ngày càng được cấp cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm xác minh nguyên liệu thô được trồng theo phương pháp hữu cơ từ trang trại tới sản phẩm cuối cùng của một tổ chức.
Trong đó, chứng nhận OCS là hoạt động do tổ chức chứng nhận OCS có thẩm quyền thực hiện nhằm đánh giá sự phù hợp theo tiêu chuẩn OCS. Chứng nhận OCS được cấp sau khi doanh nghiệp đáp ứng sự phù hợp của tiêu chuẩn. Doanh nghiệp đạt chứng nhận OCS sẽ được sử dụng nhãn dán OCS trên sản phẩm của mình.
Áp dụng tiêu chuẩn OCS mang lại nhiều lợi ích như: Tăng cường sản xuất hữu cơ; Tiết kiệm nguyên liệu thô, nước và năng lượng trong quá trình sản xuất; Đáp ứng yêu cầu của pháp luật và sản phẩm hữu cơ; Giảm bớt chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận kinh doanh; Thuận lợi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài;
Thiết lập mô hình sản xuất giảm tiêu thụ tài nguyên; Giảm tác hại của sản xuất tới con người và môi trường; Đảm bảo thông tin trong giao dịch thương mại rõ ràng, minh bạch; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Có được sự tín nhiệm của khách hàng và đối tác, mở rộng cơ hội kinh doanh;…
Đối tượng tiêu chuẩn OCS hướng đến là nhà sản xuất, thương hiệu và nhà bán lẻ, thương nhân, tổ chức chứng nhận và tổ chức hỗ trợ các sáng kiến nguyên liệu hữu cơ,… Tiêu chuẩn OCS do tổ chức Textile Exchange (Hiệp hội Trao đổi dệt may) xây dựng, ban hành và quản lý từ năm 2013.
Mai Phương