Tăng cường kiểm soát mỹ phẩm kém chất lượng kinh doanh trên thương mại điện tử

Những nỗ lực kiểm soát từ cơ quan chức năng

Liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện nhiều hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến việc livestream bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả và hàng nhái. Kết quả, 23.239 sản phẩm đã bị gỡ bỏ khỏi các sàn thương mại điện tử, 6.254 gian hàng bị chấm dứt hoạt động và 346 website vi phạm đã bị chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý.

Lực lượng chức năng phát hiện thu giữ sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLTT TP Hải Phòng

Đơn cử, ngày 11 tháng 7 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng phối hợp với Công an quận Hải An kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Hồng Anh. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 2.121 sản phẩm mỹ phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, trị giá hơn 364 triệu đồng. Những sản phẩm này được bà Lê Thị Thu Hồng giới thiệu và kinh doanh trên trang Facebook “Hồng Anh Chuyên Đồ Hiệu”.

Không chỉ bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, đáng báo động về nhiều cơ sở kinh doanh, điểm tập kết hàng chục tấn hàng hóa là nguyên liệu sản phẩm mỹ phẩm, kem đánh răng thành phẩm được lực lượng chức năng phát hiện đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí đã hết hạn sử dụng.

Tại Hà Nội, ngày 9 tháng 7 năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện và tạm giữ hơn 50.000 sản phẩm mỹ phẩm và kem đánh răng hết hạn sử dụng. Chủ hộ kinh doanh, ông Lại Vũ Thắng, không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa này.

Hay tại Tây Ninh, ngày 12 tháng 6 năm 2024 Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế – Công an huyện Dương Minh Châu đã tiến hành kiểm tra đột xuất 01 cơ sở tại thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu. Phát hiện số lượng lớn mỹ phẩm (hơn 500 đơn vị sản phẩm là kem dưỡng trắng da các loại); trị giá tang vật vi phạm 166.381.000 đồng. Đại diện cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa đang kinh doanh. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà N.T.H.T – chủ cơ sở kinh doanh với tổng số tiền 102.849.000 đồng. Đồng thời, buộc tiêu tủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Tăng cường kiểm soát mỹ phẩm kém chất lượng kinh doanh trên thương mại điện tử

Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố năm 2024. Đối tượng kiểm tra bao gồm các cơ sở sản xuất, công bố và nhập khẩu mỹ phẩm. Nội dung kiểm tra bao gồm điều kiện sản xuất, tuân thủ tiêu chuẩn CGMP-ASEAN, việc ghi nhãn sản phẩm và lấy mẫu kiểm tra chất lượng. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị thu hồi giấy đủ điều kiện sản xuất hoặc số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Trước tình trạng kinh doanh và quảng cáo mỹ phẩm trên mạng Internet khó kiểm soát, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo mỹ phẩm. Các lực lượng chức năng đã được chỉ đạo phối hợp, kiểm tra và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh và quảng cáo mỹ phẩm.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, ba nội dung chính sách lớn trong quản lý mỹ phẩm cần được xây dựng và hoàn thiện là tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN.

Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP – ASEAN về mỹ phẩm và quy định lộ trình thực hiện.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật đối với các nền tảng mạng xã hội đa ngành, đa lĩnh vực có hoạt động kinh doanh trực tuyến. Bộ Thông tin và Truyền thông cần bổ sung quy định về định danh điện tử cho các đối tượng kinh doanh livestream và bán hàng trực tuyến. Các tài khoản trên mạng xã hội cần phân định rõ giữa mục đích riêng và kinh doanh.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích