Gia đình Trịnh Văn Quyết sẽ dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả
Tích cực khắc phục hậu quả
Chiều 23/7, khi tham gia xét hỏi tại phiên sơ thẩm xét xử 50 bị cáo liên quan vụ án tại Tập đoàn FLC, bà Lê Thị Ngọc Diệp được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm dân sự.
Sau khi nghe chủ tọa phiên tòa thông báo, các tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện, từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư, bị cáo Quyết có chuyển cho vợ hơn 27 tỷ đồng. Ngoài ra, ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán, bị cáo Quyết cũng chuyển cho bà Diệp trên 35 tỷ đồng. Bà Diệp thừa nhận, mình đã nhận hai khoản tiền trên nhưng cho rằng, đó là hai khoản tiền bà vay hộ bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết). Bà Diệp cho biết, sẽ dùng số tiền này để trả các khoản nợ đã vay hộ em gái chồng.
Trình bày tại tòa, bà Diệp cho biết, hiện tất cả tài sản mà cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên trong giai đoạn điều tra vụ án đều là tài sản chung của ông Quyết và bà. Bên cạnh đó, nhiều tài sản cũng đang được thế chấp để vay tiền tại một số ngân hàng.
“Tôi đồng ý dùng toàn bộ tài sản đó để khắc phục hậu quả, vì mong muốn của anh Quyết trong suốt quá trình bị tạm giam là bán tài sản, vay mượn người thân và bạn bè để khắc phục hậu quả vụ án này”, bà Diệp trình bày.
Các bị cáo tại Tòa. |
Cũng theo bà Diệp, những tài sản bị phong tỏa, kê biên và tài sản thế chấp ngân hàng đã được gửi hồ sơ cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Do đó, bà không thể biết chính xác.
Ngoài ra, trong khi phiên tòa đang diễn ra, bà Diệp cho biết tính đến ngày 23/7, gia đình thực hiện mong muốn và nguyện vọng của bị cáo Quyết, tiếp tục huy động và vay mượn để nộp khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, Cơ quan điều tra đã kê biên tài sản diện tích 799,6m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2; 199,9m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2; 199,9m2 nhà đất ở quận Nam Từ Liêm của bị cáo Trịnh Văn Quyết. Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị kê biên 4 nhà đất ở quận Cầu giấy, quận Nam Từ Liêm. Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga bị kê biên 2 diện tích nhà đất ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Ủy ban Chứng khoán phong tỏa đối với 500 tài khoản chứng khoán bị cáo Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp quản lý, sử dụng với số tiền dư trong tài khoản là hơn 7,6 tỷ đồng; số dư chứng khoán 243.107.532 cổ phiếu.
Đồng thời, có công văn gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước rà soát ngăn chặn giao dịch (khóa chiều ghi nợ) đối với tài khoản đứng tên các cá nhân gồm: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Hương Trần Kiều Dung và 45 cá nhân cho Huế mượn tài khoản chứng khoán/tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp…) với tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Lê Thị Ngọc Diệp.
Trong đó, Trịnh Văn Quyết có 215.436.257 cổ phiếu FLC; 218.340.338 cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES; 7.614.000 cổ phiếu GAB tại Công ty Cổ phần Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC; 1.045.325.000 cổ phần tại Công ty Cổ phần Quản lý vốn và tài sản FLC Holding…
Khẳng định không có ý định chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư
Cũng tại phiên tòa ngày 23/7, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết bị cáo tôn trọng cáo trạng của Viện kiểm sát, “những gì cáo trạng mô tả là đúng với bản chất hành vi phạm tội của bị cáo”. Bị cáo thừa nhận 2 hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán” như cáo trạng truy tố.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết khẳng định chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. |
Bị chất vấn về mục đích lừa đảo, bị cáo Trịnh Văn Quyết khẳng định chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Bản thân bị cáo có chủ trương mua công ty về xây dựng, bởi luôn mong muốn có một công ty xây dựng để phục vụ cho công việc của Tập đoàn FLC. Nếu công ty này làm tốt hơn, khi đó sẽ làm cho các đơn vị ngoài tập đoàn.
Bị cáo cũng thừa nhận đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế và các nhân viên khác nâng khống giá trị của công ty từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ. Sau đó, các bị cáo làm thủ tục niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bán ra thị trường rồi hưởng lợi hơn 3.600 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC – em gái ruột bị cáo Trịnh Văn Quyết) khai nhận, bản thân chỉ làm theo sự chỉ đạo của anh trai vì bị cáo Quyết là người đưa danh sách có đánh dấu sẵn các cá nhân sở hữu cổ phần. Bị cáo Huế chỉ đánh máy lại, kèm tiêu đề “Danh sách cổ đông của Công ty Faros” rồi đưa lại cho Quyết.
Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột bị cáo Trịnh Văn Quyết) |
Ngoài ra, em gái của cựu Chủ tịch FLC cũng cho biết bị cáo Quyết là người chọn sẵn tài khoản để giao dịch trong ngày còn bản thân chỉ thao tác trên máy tính và khi nào anh trai nhắn tin “mua/bán” thì bắt đầu thao tác đặt lệnh.
Liên quan đến hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, bị cáo Huế cho biết bị cáo Quyết là người bảo đi mượn giấy tờ của người thân, người quen rồi mang về báo cáo và tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Quyết. Bị cáo Huế khẳng định bản thân không hưởng lợi từ những hành vi nêu trên.
Trước đó, trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS – em gái Trịnh Văn Quyết) khai đã ký rất nhiều hợp đồng ủy thác theo yêu cầu của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế.
Nga cũng thừa nhận có mượn Chứng minh thư nhân dân, thông tin cá nhân của hai nhân viên trong công ty để Huế mở tài khoản chứng khoán. Sau đó, Huế dùng thông tin cá nhân của các nhân viên để lập hợp đồng ủy thác đầu tư.
Về mục đích ký vào các hợp đồng ủy thác, bị cáo Nga cho hay, làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết các hợp đồng này để “góp vốn, nâng vốn cho công ty”. Nga khẳng định, mọi đề xuất ký hợp đồng ủy thác đều do Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp yêu cầu. Bị cáo không được hưởng lợi gì từ những hành vi trên.
Nguồn: Báo lao động thủ đô