Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/7/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/7/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/7/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 23/7/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Hải Phòng: Tiến hành dọn vệ sinh môi trường sau bão
Theo thông tin từ chính quyền thành phố Hải Phòng, trận bão lớn trên diện rộng những ngày qua đã khiến thành phố Hải Phòng bị ảnh hưởng, nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, nước đổ về cuốn theo nhiều loại rác thải cùng với rác thải trong các khu dân cư đã gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.
Ngay khi bão đi qua, người dân cùng công nhân môi trường đô thị đã hối hả dọn dẹp nhà cửa, thu gom rác bẩn ở tuyến phố, ngõ hẻm để trả lại vẻ đẹp cho thành phố.
Chúng ta không còn xa lạ với những hình ảnh các anh chị công nhân môi trường đô thị trên các dải trung tâm của thành phố, họ đang ra sức thực hiện nhiệm vụ để trả lại không gian và hình ảnh thường ngày cho thành phố Cảng.
Theo ghi nhận của phóng viên MTĐT tại tuyến đường Trần Quang Khải, quận Hồng Bàng rất nhiều cây cối đổ ngã, tạo nên ách tắc giao thông và hệ luỵ môi trường xung quanh, gây mất mỹ quan cho thành phố.
Trao đổi với phóng viên, chị Trần Thị Lan, thuộc Tổ Môi trường Đằng Lâm cho biết: “Vào mùa bão gió, lượng lớn rác thải của toàn thành phố rất đa dạng, trước khi thu gom mang đi xử lý, chúng tôi phải phân ra từng chủng loại, công việc tuy có vất vả hơn ngày thường nhưng tôi và các đồng nghiệp luôn xác định nhiệm vụ mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, nên chúng tôi vẫn hăng say cần cù làm việc để cho các tuyến phố sạch đẹp và gọn gàng…”.
Để chung tay cùng thành phố và người dân tích cực chống bão, ngoài việc thường xuyên bố trí 100% quân số ca ngày và đêm, Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hải Phòng huy động tăng cường nhân lực nhằm bảo vệ sự bình an cũng như đảm bảo môi trường và phòng chống dịch bệnh bùng phát sau những ngày thiên tai bất thường…
Trang trại của Giám đốc Ban Quản lý dự án ở Huế bị xử phạt 125 triệu đồng do xả thải ra môi trường
Trang trại này được xây dựng trên khu đất có diện tích 57.971m2 thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đăng Trường và bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi. Ông Nguyễn Đăng Trường là Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Người đại diện theo pháp luật của cơ sở trang trại là bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi – vợ ông Trường.
Khu đất của ông Nguyễn Đăng Trường và bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi lắp đặt hệ thống pin sản xuất điện năng lượng mặt trời trên mái không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập đoàn kiểm tra việc sử dụng đất tại khu đất của ông Nguyễn Đăng Trường và bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi. Qua kiểm tra, Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận trên khu đất này đã có hơn 10 công trình được xây dựng, gồm các chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, cá, ba ba, hệ thống nhà kho, nhà ở công nhân…
Qua kiểm tra, công trình trang trại đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái với tổng diện tích 12.000m2. Sở TNMT đã phát hiện nhiều sai phạm tại công trình trang trại này, như: Xây dựng chuồng trại không có giấy phép xây dựng, không phù hợp với mục đích sử dụng đất; lắp đặt hệ thống pin sản xuất điện năng lượng mặt trời trên mái trang trại và cho thuê mái để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với trang trại này. Qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện trang trại xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên (coliform vượt 10,8 lần) trong trường hợp thải lượng nước thải là 55,60 m3/ ngày.
Trên cơ sở đề nghị của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, căn cứ điểm đ, khoản 6, Điều 18 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi số tiền 125 triệu đồng.
Ngoài bị phạt số tiền nêu trên, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi còn bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm và phải chi trả kinh phí cho cơ quan cơ quan thực hiện giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.
Nam Định: Bão số 2 khiến 2 mái đê bị sạt trượt
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, ngày 23/7, khu vực TP Nam Định và một số huyện có mưa, một số tuyến phố bị ngập. Đáng chú ý, trước khi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2, tỉnh này đã chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến mưa lớn diễn ra nhiều ngày, nhiều diện tích lúa bị ngập úng nghiêm trọng.
Theo số liệu báo cáo của các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đến 17h ngày 22/7, diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng là 17.780,33ha; trong đó ngập trắng là 12.452,0ha, ngập phất phơ là 2.692,0ha, ngập sâu trong nước là 2.636,33ha.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến tuyến đê thuộc huyện Ý Yên đã bị sạt trượt từ 17/7.
Đến 15h ngày 21/7, Hạt Quản lý đê đã phối hợp với UBND xã Yên Nhân đã xử lý xong sự cố trên bằng cách gia cố bằng tre, nứa sau đó đắp đất.
Tuy nhiên, đây chỉ là phương án giải quyết tình thế trước mắt. Hiện UBND huyện Ý Yên đã có tờ trình UBND tỉnh Nam Định xin chủ trương xử lý khẩn cấp đắp cơ, gia cố thêm độ vững chắc cho mái đê.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo người dân di chuyển qua khu vực này.
Cùng ngày, sóng lớn gây vỡ tường đá xây khóa mái kè tại tại vị trí K23+650 Cổ Vạy Ang Giao Phong (thuộc tuyến đê biển huyện Giao Thủy).
Bắc Giang: Tập trung ứng phó với diễn biến Bão số 2 và khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng
Theo tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 22/7/2024, vị trí tâm bão số 2 ở khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ. Trong những ngày tới bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của Bão số 2 và mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể từng địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực chịu ảnh hưởng.
Kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, đập; bảo vệ trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu, các vị trí đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đang thi công dở dang hoặc đã thi công xong nhưng chưa qua thử thách với lũ.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định. Bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, đập, kịp thời xử lý các sự cố đê điều, hồ đập ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, hồ chứa nước.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến của bão và công tác chỉ đạo, ứng phó để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều, hồ đập, các tình huống đột xuất về Sở Nông nghiệp và PTNT để thống nhất chỉ đạo thực hiện.
Thanh Hóa: Ban hành công điện về việc tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ
Nội dung công điện nêu rõ: Chỉ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa điện: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy QS tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội BP tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh; Giám đốc Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa; Giám đốc các Công ty: Khai thác CTTL, Điện lực T. Hóa.
Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 22/7/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trong khu vực đảo Hải Nam Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hương Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h. Từ đêm (22/7) đến ngày 24/7, ở khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to và dông trong mưa dông cần đề phòng có lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh ; lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 150mm.
Thực hiện Công điện số 70 /CĐ-TTg ngày 21/7/ 2024 của Thủ tướng Chính phủ; để chủ động ng phó với cơn bão số 2 và mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, trong đó: Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét; Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống; Kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ chứa và các công trình cơ sở hạ tầng; Riêng đối với các huyện, thị xã, thành phố ven biển: phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện bao gồm cả tàu du lịch còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, ven bờ .
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; dự báo, thông tin kịp thời để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thuỷ hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hệ thống điện; điều tiết các hồ thuỷ lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý chỉ đạo các chủ hồ chứa thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biển phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan và lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra hỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu của địa phương.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Cảng vụ hàng hải Thanh Hoá và các đơn vị liên quan chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải, tàu du lịch; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình được giao quản lý và phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; Công ty Điện lực Thanh Hóa có trách nhiệm cấp điện an toàn và liên tục cho các trạm bơm tiêu, cống tiêu vận hành bằng điện.
Các Sở, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động phối hợp với địa phương triển hai công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo quy định.
Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá, Báo Thanh Hoá, Đài Thông tin Duyên hải Thanh Hoá tăng cường thời lượng phát tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo thiên tai, chỉ đạo của cơ quan chức năng, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó để giảm thiệt hại do thiên tai.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định
Yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./
FAO: Nguy cơ cháy rừng và sâu bệnh ngày càng tăng do biến đổi khí hậu
Cụ thể, báo cáo có tiêu đề “Tình trạng rừng thế giới năm 2024: Những đổi mới sáng tạo trong ngành lâm nghiệp hướng tới một tương lai bền vững hơn” được công bố tại Phiên họp lần thứ 27 của Ủy ban Lâm nghiệp (COFO). Sự kiện đang được tổ chức từ ngày 22 – 26/7 tại trụ sở của FAO ở thủ đô Rome (Italy).
Được biết, COFO là cơ quan quản lý lâm nghiệp hàng đầu của FAO, có nhiệm vụ xác định các vấn đề kỹ thuật và chính sách mới nổi, tìm kiếm giải pháp và tư vấn cho FAO về hành động thích hợp. Phiên họp năm nay có chủ đề “Tăng tốc các giải pháp lâm nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo”.
Báo cáo nêu rõ: “Rừng và cây cối là thành phần thiết yếu của hệ thống nông nghiệp. Việc loại bỏ độ che phủ rừng, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới, làm tăng nhiệt độ cục bộ và phá vỡ kỷ lục lượng mưa theo cách làm tăng thêm tác động cục bộ của biến đổi khí hậu toàn cầu, với những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn đối với năng suất nông nghiệp”.
Trong báo cáo, FAO kêu gọi sự đổi mới trong ngành lâm nghiệp cùng với hành động khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế nhằm đối mặt với những thách thức này và tiến tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Cháy rừng trên khắp thế giới đang dữ dội và thường xuyên hơn bao giờ hết, ngay cả ở những khu vực trước đây không bị ảnh hưởng. Chỉ riêng năm 2023, các vụ cháy rừng đã thải ra khoảng 6.687 megaton carbon dioxide. Cụ thể, FAO cho biết, các đám cháy ở vùng phương bắc ngay phía nam Bắc Cực đã đạt mức cao mới vào năm 2021 và chiếm gần 1/4 tổng lượng phát thải cháy rừng, tăng từ mức 10% trước đó.
Biến đổi khí hậu cũng làm cho rừng dễ bị tổn thương hơn trước các loài xâm lấn, với côn trùng, sâu bệnh và mầm bệnh đe dọa sự phát triển và sinh tồn của cây. Tuyến trùng gỗ thông, một loại giun tròn ký sinh cực nhỏ, đã gây thiệt hại đáng kể cho rừng thông bản địa ở một số quốc gia ở châu Á.
Các khu vực ở Bắc Mỹ cũng được dự đoán sẽ chịu thiệt hại nặng nề do côn trùng và bệnh tật vào năm 2027.
Nạn phá rừng là một mối đe dọa nghiêm trọng do nhu cầu sản xuất gỗ toàn cầu đang ở mức kỷ lục, 4 tỷ m3 mỗi năm. Các dự báo cho thấy nhu cầu gỗ tròn toàn cầu có thể tăng tới 49% trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2050. Hơn nữa, gần 6 tỷ người dựa vào lâm sản ngoài gỗ và 70% người nghèo trên thế giới dựa vào các loài hoang dã cho nhu cầu cơ bản của họ.
Đối mặt với những thách thức như vậy, báo cáo của FAO cho rằng, đổi mới sáng tạo trong ngành lâm nghiệp đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Qua đó, Tổng Giám đốc FAO, ông Qu Dongyu lưu ý: “FAO nhận thấy khoa học và đổi mới sáng tạo là những thành phần quan trọng để đạt được các giải pháp dựa vào rừng”. Báo cáo này sẽ cung cấp thông tin cho các hoạt động của FAO nhằm mở rộng quy mô đổi mới sáng tạo dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực lâm nghiệp; đồng thời sẽ hỗ trợ các thành viên của FAO và các bên liên quan khác trong việc tạo điều kiện cho sự đổi mới sáng tạo cần thiết, toàn diện và có trách nhiệm trong ngành lâm nghiệp, nhằm tăng cường tính bền vững và khả năng phục hồi của các hệ thống nông sản vì một thế giới tốt đẹp hơn và một tương lai tốt đẹp hơn dành cho tất cả mọi người, ông Qu Dongyu nói thêm.
FAO cho rằng khoa học có thể giúp giải quyết những thách thức này và xác định 5 sự đổi mới gồm: công nghệ, xã hội, chính sách, thể chế và tài chính sẽ giúp nâng cao tiềm năng của rừng nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Một trong những ví dụ về sự đổi mới trên là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu và tài trợ đổi mới cho việc bảo tồn rừng.
Các ví dụ bao gồm tiềm năng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tích tự động một khối lượng lớn dữ liệu quang học, radar và lidar hiện tại và tương lai, được thu thập hàng ngày bởi các máy bay không người lái, vệ tinh và các trạm vũ trụ; việc áp dụng gỗ khối và các cải tiến làm từ gỗ khác có thể thay thế những sản phẩm làm từ hóa thạch trong lĩnh vực xây dựng; các chính sách nhằm thu hút phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa vào việc phát triển các giải pháp do địa phương lãnh đạo; và những đổi mới sáng tạo trong tài chính công và tư nhân để nâng cao giá trị của rừng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng liệt kê 5 hành động hỗ trợ sẽ giúp tăng cường đổi mới sáng tạo trong ngành lâm nghiệp, bao gồm: nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng, năng lực và kiến thức đổi mới, khuyến khích các quan hệ đối tác chuyển đổi, đảm bảo nguồn tài chính có thể tiếp cận được nhiều hơn và phổ biến hơn dành cho đổi mới sáng tạo, cũng như cung cấp chính sách và môi trường pháp lý khuyến khích.
Đáng chú ý, phiên họp COFO của FAO đang diễn ra cùng với Tuần lễ Rừng thế giới lần thứ 9, sự kiện mang đến cho cộng đồng lâm nghiệp cơ hội để trao đổi ý tưởng, giới thiệu những thực tiễn tốt nhất và hành động thực tế, đồng thời đóng góp vào những phiên thảo luận quốc tế về các vấn đề lâm nghiệp và môi trường.
H.Hà (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị