Đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số
Nâng tầm hoạt động truyền thông Công đoàn
Kể từ khi ra đời và phát triển đến nay, bên cạnh các công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cho đoàn viên, người lao động (NLĐ); công tác truyền thông Công đoàn luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của tổ chức Công đoàn. Trong đó, với chức năng và nhiệm vụ của mình, tổ chức Công đoàn nói chung và các cấp Công đoàn Thủ đô nói riêng đã thể hiện được vai trò, vị trí trọng tâm trong công tác truyền thông Công đoàn, nhất là truyền thông chính sách pháp luật về lao động cho đoàn viên, NLĐ.
Truyền thông Công đoàn góp phần chuyển hóa hoạt động truyền thông từ một chiều sang hoạt động đa chiều. |
Cụ thể, trong quá trình truyền thông, các cấp Công đoàn Thủ đô đã hình thành và duy trì được hệ thống các kênh thông tin từ trực tiếp, trực tuyến, đến phát triển xây dựng truyền thông qua các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, các kênh truyền thông đã đảm bảo được chức năng thông tin, tuyên truyền tương đối đầy đủ, toàn diện, có tính bao quát và lan tỏa tốt. Với cách làm truyền thông Công đoàn bài bản, hiệu quả từ LĐLĐ Thành phố, Công đoàn các quận, huyện trên đã nhanh chóng tiếp thu, tích cực đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng, nâng cao tính chuyên môn, chuyên sâu trong công tác truyền thông đến các Công đoàn cơ sở (CĐCS) với những nội dung, chương trình, kế hoạch hiệu quả, từ đó lan tỏa rộng rãi đến với đông đảo đoàn viên, NLĐ.
Từ những kết quả đạt được, để tăng cường công tác truyền thông Công đoàn, nhiệm kỳ 2023 – 2028, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố đã xây dựng và ban hành Chương trình số 09/CTr-LĐLĐ về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, NLĐ Thủ đô giai đoạn 2023 – 2028. Trong đó, đối với công tác tuyên truyền, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố đặt ra chỉ tiêu hàng năm phấn đấu 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS có từ 1.000 lao động trở lên phải có ít nhất 1 tuyên truyền viên. 100% cán bộ làm công tác Tuyên giáo LĐLĐ Thành phố, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dư luận xã hội do LĐLĐ Thành phố quản lý định kỳ được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng công tác truyền thông và hoạt động công đoàn.100% Chủ tịch CĐCS, báo cáo viên, tuyên truyền viên tại các CĐCS có từ 1.000 lao động trở lên được tập huấn ít nhất 1 lần/1 năm về các nội dung chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác truyền thông. 100% các đơn vị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở duy trì thường xuyên hoạt động trang Fanpage của đơn vị, cập nhật liên tục các thông tin, hoạt động mới của đơn vị và CĐCS; 100% cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được phân công làm cộng tác viên của trang Thông tin điện tử LĐLĐ Thành phố gửi thông tin, hình ảnh cộng tác thường xuyên, liên tục…
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố đề ra giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện. Trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức phát động và tổ chức trong đoàn viên, NLĐ tham gia các phong trào do tổ chức Công đoàn phát động; sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Tuyên giáo Công đoàn. Tăng cường tổ chức các hoạt động xã hội, đối thoại giao lưu trực tuyến về các vấn đề liên quan đến NLĐ, tổ chức Công đoàn giải đáp chính sách pháp luật. Trong đó tập trung đầu tư nhân lực, vật lực để nâng cao chất lượng và mở rộng diện phổ cập thông tin cho báo điện tử…
Những dấu ấn từ cơ sở
Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn cũng như tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ thành phố Hà Nội, thời gian qua, hoạt động truyền thông Công đoàn đã có những bước tiến đáng kể, công tác truyền thông đang dần chuyển từ tuyên truyền truyền thống sang ứng dụng công nghệ; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa truyền thông doanh nghiệp và truyền thông Công đoàn để đạt mục tiêu chung là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công nhân và tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong các doanh nghiệp.Từ ý nghĩa thiết thực đó, nhiều mô hình, cách làm hay của tổ chức Công đoàn đã được truyền tải, nhân rộng; nhiều CĐCS nỗ lực đổi mới phương thức truyền thông qua việc ứng dụng các trang mạng xã hội, xây dựng các mô hình, câu lạc bộ kết nối đoàn viên, NLĐ… đảm bảo nguyên tắc truyền thông một cách nhanh chóng, ngắn gọn, sâu sắc, dễ hiểu, dễ làm theo.
Đơn cử như tại LĐLĐ quận Nam Từ Liêm, với mong muốn từng bước khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo đơn vị đối với đoàn viên, NLĐ và tổ chức CĐCS bằng những cơ chế, chính sách, sự tạo điều kiện về thời gian, vật chất, tinh thần… LĐLĐ quận đã nỗ lực tuyên truyền đến các CĐCS trực thuộc xây dựng “Điểm sinh hoạt Công đoàn”. Đến thời điểm hiện tại, đã có 25 CĐCS xây dựng “Điểm sinh hoạt Công đoàn”, đây là nơi để đoàn viên, NLĐ cùng nhau sinh hoạt, giao lưu, giải trí, nâng cao nhận thức; quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc và trong cuộc sống.
Tại LĐLĐ huyện Đông Anh, nhằm nỗ lực đổi mới phương thức truyền thông Công đoàn, đồng thời tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, LĐLĐ huyện đã tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 – 2028”.Sau gần 2 tháng triển khai, đã có trên 14.000 bài dự thi của đoàn viên, NLĐ tại các CĐCS gửi về LĐLĐ huyện. Căn cứ kết quả chấm đề cương, LĐLĐ huyện đã chọn ra 10 thí sinh xuất sắc nhất vào Chung khảo. Hội thi được tổ chức không chỉ giúp các đoàn viên, NLĐ thể hiện sự am hiểu, kiến thức chuyên môn về tổ chức Công đoàn, về các Nghị quyết Đại hội Công đoàn… mà thông qua hội thi còn truyền tải tinh thần cốt lõi của Nghị quyết Đại hội Công đoàn đến toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn nắm vững và tổ chức thực hiện Nghị quyết một cách đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả.
Với LĐLĐ quận Cầu Giấy, với phương thức truyền thông linh hoạt, đổi mới, LĐLĐ quận đã sử dụng mạng xã hội Facebook để truyền thông các hoạt động của LĐLĐ Thành phố và các CĐCS đến đoàn viên, NLĐ với những hoạt động như: Trao Mái ấm Công đoàn, các chế độ chính sách, công tác chăm lo… Những thông tin hữu ích trên đều có hình ảnh minh họa và nêu lên được kết quả nổi bật, hoạt động ý nghĩa của CĐCS tại các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, nhân rộng những cách làm mới, kết quả nổi bật trong hoạt động công đoàn đến cán bộ công đoàn, đoàn viên và NLĐ. Từ đó, góp phần định hướng tư tưởng và tạo cho đoàn viên, NLĐ môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và dân chủ…
Từ những cách làm trên có thể thấy, hiện nay, hoạt động truyền thông Công đoàn đã trở thành một trong những vấn đề then chốt, được xây dựng, phát triển với đường hướng rõ ràng. Đặc biệt, với những cách làm mới, hiệu quả trong công tác truyền thông Công đoàn ở các CĐCS trên địa bàn Thủ đô, đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, lan tỏa rộng rãi đến với đông đảo đoàn viên, NLĐ.
Giai đoạn 2023 – 2028, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố đặt ra chỉ tiêu hằng năm phấn đấu 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS có từ 1.000 lao động trở lên phải có ít nhất 1 tuyên truyền viên. 100% cán bộ làm công tác Tuyên giáo LĐLĐ Thành phố, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dư luận xã hội do LĐLĐ Thành phố quản lý định kỳ được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng công tác truyền thông và hoạt động công đoàn… |
Tuấn Minh
Nguồn: Báo lao động thủ đô